Tàu cá “mắc cạn” trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hai năm liên tiếp khiến không chỉ đời sống người dân trên đất liền mà ngay cả ngư dân cũng chật vật. Nhiều tàu cá của ngư dân tại Nghệ An gặp khó khi ngư trường ngày càng khó đánh bắt, giá nhiên liệu tăng cao, sản lượng đánh bắt không đủ trả tiền công. Nhiều người phải rao bán tàu thuyền giá rẻ, thanh niên bỏ đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động…
Một số con tàu neo tại Lạch Thơi.
Một số con tàu neo tại Lạch Thơi.

Khó khăn chồng chất

Những ngày cuối năm 2021, có mặt tại bến tàu thuyền xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), có thể cảm nhận được sự đìu hiu trước những con tàu neo đậu đã từ lâu không ra khơi, nghe chuyện nhiều lao động phổ thông trong xã phần lớn đi làm nơi khác hoặc xuất khẩu lao động (XKLĐ) để mưu sinh. Ngư dân Hoàng Đình Tuấn, chủ tàu NA9260TS chia sẻ, nhiều tháng nay không ra khơi vì đánh bắt không có hiệu quả, giá xăng dầu liên tục tăng, ngư trường ngày càng ít hải sản…

Nhìn con tàu, ông nói: “Nếu tình trạng này kéo dài thì cũng chỉ có nước bán tàu đi trả nợ chứ không đủ tiền trả lãi ngân hàng, để lâu tàu cũng hư hỏng, xuống cấp không sử dụng được. Trước đây mỗi chuyến ra khơi 10-15 ngày, tiền cá mực đủ chi phí dầu và công lao động 3-5 triệu đồng/chuyến; chủ tàu thu nhập 15 - 20 triệu đồng/chuyến. Nhưng từ tháng 5/2021 đến nay tàu không dám ra khơi, mỗi chuyến có thể lỗ 15 - 20 triệu đồng. Thanh niên bỏ nghề đi tàu vận tải thu nhập ổn định hơn hoặc XKLĐ”.

Ông Nguyễn Hữu Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá xã cho biết, từ 2020 sang 2021 dịch dây dưa, nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt, sản lượng thấp, cần phải xa khơi tìm kiếm. Nhưng càng ra khơi xa thì càng lỗ vì thời tiết cũng biến động thất thường, thu không đủ chi.

Bà Trần Phương Thúy, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, năm 2017 xã có trên 200 tàu đánh bắt xa bờ, nghề chính là câu mực và cá đao xuất khẩu. Do ảnh hưởng dịch bệnh cùng nhiều yếu tố, nay xã chỉ còn hơn 100 tàu nhưng hầu hết không ra khơi.

Tàu cá im lìm nằm bờ.

Tàu cá im lìm nằm bờ.

“Mắc cạn” cả theo nghĩa đen

Còn có nguyên nhân khác, theo bà Thúy, tại Lạch Thơi, trước đây hiện tượng bồi lắng đã khiến tàu thuyền ra khơi gặp khó khăn. Từ 2011 Lạch Thơi có dự án nạo vét, đến 2017 đưa vào sử dụng, nhưng được khoảng nửa năm không dùng được nữa, tàu to phải đậu xa, đậu Lạch Quèn khiến chi phí đội lên do phải trông coi tàu, vận chuyển hàng, di chuyển người lao động... Ngư dân ngày càng thêm khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Kỳ cho biết thêm, khi được Nhà nước đầu tư hơn 100 tỷ đồng nạo vét luồng lạch cho Lạch Thơi, bà con nói chung và ngư dân Sơn Hải nói riêng rất phấn khởi. Không ngờ số tiền lớn bỏ ra chưa được lâu thì việc ra vào lạch còn khó khăn hơn lúc chưa thực hiện dự án. Giờ đây mỗi lần ra khơi, chủ tàu mất khoảng 300 - 400 ngàn đồng thuê tàu dắt ra, khi về lại thêm một lần dắt nữa. Mong muốn của bà con ngư dân là cần sớm quan tâm hơn đến việc nạo vét cửa lạch cho đúng cách để bà con đỡ vất vả hơn khi có áp thấp nhiệt đới, giông bão; có chỗ neo đậu đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Hiện nhiều ngư dân vay vốn đã tính đến chuyện bán tàu để kiếm nghề khác. Tuy nhiên, mỗi tàu cá đầu tư khoảng 2 tỷ, nếu bán bây giờ chỉ được 700 triệu; với tàu đóng khoảng 1 tỷ thì bán thời điểm này chỉ được 200 - 300 triệu; thậm chí rất khó bán vì ít người muốn mua.

Một khó khăn nữa là do càng đi đánh bắt càng lỗ, các chủ cửa hàng xăng dầu cũng không đồng ý cung cấp nhiên liệu cho các tàu cá còn nợ nhiều chưa thể trả.

Nguyện vọng của các ngư dân lúc này là được hỗ trợ giá dầu cho bà con. Với những tàu cá vay tiền ngân hàng đề nghị được khoanh nợ, giảm lãi suất để ngư dân bớt khó khăn, tiếp tục bám biển ra khơi. Bên những chiếc tàu cá nằm im lìm bên con lạch, gương mặt những người phụ nữ thường ngày chạy chợ bán buôn nay không còn công việc ổn định, cùng im lìm.

Đọc thêm