Tết đoàn viên hay Tết chu du?

(PLVN) - Đón Tết đoàn viên cùng gia đình hay du lịch Tết vẫn là đề tài tranh cãi nhiều năm nay mỗi dịp xuân về. Nhưng không thể phủ nhận, đã có những thay đổi lớn về quan niệm ăn Tết cổ truyền trong những năm gần đây.
Ngày càng có nhiều người trẻ chọn du lịch một mình thay vì ăn Tết cùng gia đình.
Ngày càng có nhiều người trẻ chọn du lịch một mình thay vì ăn Tết cùng gia đình.

“Đi về nhà”, ấm áp mùa xuân

Cách đây một tháng, rapper Đen Vâu có ra mắt MV “Đi về nhà”. MV nhanh chóng tạo một cơn sốt, bởi cả phần lời, giai điệu và cảnh quay đều khiến cho người xem náo nức về một cái Tết ấm áp, đoàn viên. Đó là câu chuyện của một chàng trai, như rất nhiều chàng trai khác trên đất nước: Khăn gói về quê trước Tết, cùng cha mua đào, mua mai, chở mẹ ra chợ xuân sắp Tết, vui đùa cùng đàn em nhỏ quanh sân. Những chậu hoa trước nhà, những góc nhà mùa xuân, phiên chợ Tết rộn ràng, chiếc bánh chưng vuông vắn, sự ấm áp khi cả nhà bên nhau…

MV như một lát cắt đẹp đẽ của Tết cổ truyền Việt. Thông qua một MV của giới trẻ, có thể đo đếm được nỗi lòng của người trẻ tha phương, khi nhận bao bình luận nhớ nhung Tết quê nhà của họ. Có người chia sẻ, vì mưu sinh mà đã 4 năm nay không về quê ăn Tết, da diết thèm được quây quần bên gia đình hưởng cái Tết đoàn viên.

Có người, vì gia đinh ly tán nên đã từ lâu không được ăn Tết sum vầy, và trên bước đường lang thang vẫn cứ da diết nhớ về những cái Tết ấm áp xa xưa, có những bạn trẻ, nghe bài hát là náo nức, muốn xách ba lô về quê ngay, để được ăn Tết cùng gia đình...

Có thể nói, “đoàn viên” chính là một đặc ân mà Tết cổ truyền mang đến cho mỗi gia đình. Dù ai đi đâu, ở đâu, bận rộn đến thế nào thì Tết cũng là lúc được ngừng lại, lắng lại, dành sự quan tâm đến những người thân, dành thời gian cho gia đình của mình.  

Có người thích ăn Tết ở nhà, bởi đơn giản thích cái không khí đón Tết rộn ràng, náo nức. Khi đó, cả gia đình cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, cùng nhau sắm sửa, rồi đi chợ xuân, chợ hoa. Và thiêng liêng làm sao khoảnh khắc cả gia đình cùng đón giao thừa. Đó là lúc nén nhang cùng được thắp lên trên bàn thờ gia tiên, là khoảnh khắc vô tuyến truyền hình phát lên những khúc hát chào xuân truyền thống.

Là cả nhà bên nhau, nâng ly mừng một mùa xuân mới, con cháu chúc ông bà những lời chúc tốt lành và ông bà mừng tuổi con cháu, như một nghi thức vừa vui vẻ cũng vừa thiêng liêng, của sự tiếp nối thế hệ. Cứ mỗi năm một đêm giao thừa như thế, nhưng lòng người luôn thấy xúc động, thiêng liêng, tươi mới như đón giao thừa đầu tiên trong đời. 

“Đi về nhà” gây xúc động bởi khắc họa cái Tết ấm áp, đoàn viên.
 “Đi về nhà” gây xúc động bởi khắc họa cái Tết ấm áp, đoàn viên.

Những ngày Tết cũng là dịp hiếm hoi trong năm mà các đại gia đình quây quần đông đủ đến thế. Các bậc cha mẹ vui mừng gặp lại con cái thoát ly làm ăn xa, các ông bà nhìn đàn cháu quây quần, ríu rít trong sân nhà, lòng như trẻ ra phơi phới. Những đôi vợ chồng mà vì công việc phải xa nhau biền biệt, nay dành những ngày Tết ngắn ngủi để tận hưởng niềm vui sum vầy. Các họ tộc gặp mặt, những người họ hàng tay bắt mặt mừng, vui vẻ cùng nhau ăn một bữa tiệc đầu năm trong tiếng chúc vui.

Anh Tony Hòa, 45 tuổi, một Việt kiều sống tại Na Uy chia sẻ: “Tôi sang Na Uy định cư đã 5 năm. Hồi ở Việt Nam, mình ăn Tết, thấy đó là chuyện hẳn nhiên, Tết là phải vui như thế. Nhưng đến khi sinh sống ở nước ngoài mới biết rằng Tết không đơn thuần là dịp lễ hội chè chén tưng bừng. Đó còn là thời khắc thiêng liêng đẹp đẽ mà lòng người ta lắng lại, cảm nhận thời khắc chuyển giao của mùa, của một năm.

Hơn hết, đó còn là những giây phút được sống trọn vẹn trong tình yêu thương của người thân, gia đình. Hồi mình còn trẻ, có chê Tết Việt sao mà rườm rà, nhiều cái cầu kì, rồi khen Tết ở Tây gọn nhẹ, sang trọng. Nhưng giờ mình có tuổi, đi xa quê hương mới thấm thía, nhớ nhung cái Tết Việt biết bao nhiêu. Đã năm năm không được ăn Tết quê hương, cứ mỗi lần đến Tết, gia đình bên này nấu vài món ăn cổ truyền, mở nhạc xuân, nâng ly chúc nhau, nhưng làm sao mà có được cái cảm giác ấm áp mùa xuân quê nhà được.

Có năm, gọi điện về chúc Tết ba má, nghe tiếng các anh chị, cậu dì chen vào hỏi thăm sức khỏe, chúc Tết trong điện thoại, tự nhiên tôi rơi nước mắt. Định bụng năm nay ổn rồi, có thể thu xếp về Việt Nam ăn Tết thì lại trúng vào dịch Covid nên đành ngậm ngùi chịu nỗi nhớ Tết quê hương thêm một năm nữa vậy...”.

Tết của người lữ hành, có gì vui?

Những năm gần đây, câu chuyện “Tết du lịch” bắt đầu được đặt ra. Khoảng 2 năm về trước, trên các diễn đàn từ mạng xã hội đến báo chí, truyền thông bắt đầu nổ ra cuộc tranh luận mạnh mẽ xoay quanh câu hỏi: Nên ăn Têt đoàn viên cùng gia đình hay du lịch thoải mái mùa Tết? Bị cuốn vào cuộc tranh luận ấy không chỉ có các bạn trẻ, các thế hệ người dân, mà cả những nhà báo, văn sĩ, nghệ sĩ.

Trong một bài đăng trên mạng, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Chơi tết là… đi chơi. Thay cho việc về quê, người ta đi du lịch. Du lịch trong nước, rồi du lịch cả ở nước ngoài. Cái Tết đang bị biến thái. Nó không còn là một niềm vui trọn vẹn. Niềm vui của sự đoàn tụ. Hay nói đúng hơn, nó vừa vui lại vừa buồn. Vui cho lũ trẻ mà buồn cho người già. 

... Con cháu quây quần là đoàn tụ đại gia đình. Đoàn tụ cả với tổ tiên. Không phải trong khói hương huyền ảo trên bàn thờ, mà trong vóc dáng gương mặt con cháu. Vì thế, con cháu về là mang theo cả mùa xuân về. Đấy mới là mùa xuân đẹp nhất. Cho nên, không ngoa khi nói rằng, Tết - thay vì về nhà sum họp - lại bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu”.

Sau bài viết ấy, những cuộc tranh luận bùng nổ đến nảy lửa. Nhiều người ủng hộ quan điểm của nhà thơ. Bởi, du lịch là chuyện quanh năm, lúc nào cũng có thể, còn Tết chỉ có một. Nhiều bậc cha mẹ chỉ đau đáu ngóng trông vào dịp Tết để có thể gặp con, nay con lại bỏ đi chơi, hưởng thú vui một mình, như thế là ích kỉ và làm cho cha mẹ, gia đình “mất vui” ngày Tết. 

Nhưng một bộ phận khác, kể cả người trẻ và không còn trẻ, cho rằng đó là một quan niệm cổ hủ, lạc hậu. Bởi báo hiếu, đoàn viên là việc có thể thực hiện được quanh năm. Giờ đây, những ngày lễ lạt trong năm nhiều, phương tiện giao thông thì thuận lợi, người nhà có thể gặp nhau khi nào thấy nhớ, không nhất thiết chỉ là dịp Tết. Và, sau vài chục năm gắn bó với truyền thống bất di bất dịch là ăn Tết cùng nhau thì người ta cũng cần một trải nghiệm mới, cần sự thoát ly. 

Một bộ phận khác, ôn hòa hơn thì cho rằng, nên thử Tết chu du, để cảm nhận rằng mình thực sự nhớ nhung cái không khí Tết đoàn viên. Hay lựa chọn trọn vẹn nhất, chính là cùng cả nhà đón giao thừa, cúng tổ tiên mùng 1 Tết, rồi sau đó có thể đi cho thỏa ý nguyện. 

Không thể phủ nhận, dù còn nhiều ý kiến trái chiều thì chuyện người Việt thoát ly gia đình dịp Tết cổ truyền, đi du lịch dịp Tết ngày một nhiều hơn. Một nhà báo kiêm nhà văn, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên mạng xã hội cũng kể, anh năm nào cũng ăn Tết “ở một nơi xa”, không có gia đình, con cái, hoàn toàn tự do tận hưởng Tết.

Và anh khuyên mỗi người trong cuộc đời nên ít nhất một lần như thế, vượt ra khỏi mọi quy tắc, rào cản của chính mình. Quanh năm đã tất bật với công ăn việc làm, với mưu sinh và trách nhiệm. Tết là lúc người ta dành cho riêng mình, tự do, an vui...

Thống kê từ các công ty du lịch lữ hành những năm gần đây cho thấy, lượng người đăng kí các tour “xuyên Tết” cũng tăng mạnh trong dip Tết 2019 và 2020. Tết năm 2021, do tình hình dịch bệnh, tour đi nước ngoài dịp Tết không tổ chức được, nhưng đồng thời tour du lịch xuyên Tết nội địa tăng đột biến, nhiều tour hấp dẫn, giá khuyến mãi đã được đặt hết từ cuối tháng 11.

Hai năm gần đây, những cuộc tranh luận “ăn Tết phương xa hay ăn Tết ở nhà” dường như đã “giảm nhiệt”. Không phải bởi tâm tư đã “quy về một mối”, mà bởi trong tiến trình của phát triển, hòa nhập, người Việt học được cách tôn trọng sự khác biệt hơn. 

Ăn một cái Tết đoàn viên, quây quần cũng thật vui, thật hạnh phúc, mà ăn Tết trên những dặm đường xa, không có gia đình, người thân, không có những phong tục ngày Tết cũng có tự do và thú vị riêng. Lựa chọn nào cũng được, miễn đó là lựa chọn khiến người ta vui vẻ và hạnh phúc.   

Đọc thêm