Rong ruổi giấc mơ xuân

(PLVN) - Dường như Tết đã đến sầm sập sau lưng, đến trong tâm trạng những người xa quê chỉ mong sớm đoàn tụ gia đình cùng mùa xuân no đủ. Nhưng đâu đó trong xóm ve chai lam lũ ở Sài Gòn, vẫn còn đó những phận người tha hương, hàng ngày rong ruổi trên chiếc xe thu mua phế liệu cùng giấc mơ xuân mang no ấm về nhà...
Rong ruổi giấc mơ xuân

Có lẽ để nói về cuộc sống mưu sinh không nơi nào có nhiều mảng màu đời sống đa dạng như đất Sài Gòn – TP HCM. Những bức tranh biếm họa đầy màu sắc về phận đời, phận người cứ ngày ngày hiện ra và khắc họạ càng thêm rõ nét trong cái giá lạnh của những ngày cuối năm. Khi mà người ta đang đau đáu về một cái Tết đoàn viên thì đâu đó là những con người “rong ruổi cùng giấc mơ xuân” trên những chuyến xe ve chai nặng oằn trong sương sớm.

Nặng quằn những vòng xe

Sài Gòn những ngày cuối năm ẩm ương như cô nàng mới lớn, mới nắng gắt đó thôi lại có thể âm u bất chợt; mới hôm rồi còn nóng hầm người, vậy mà sớm hôm sau đã bỗng chốc trở mình lạnh cóng.

Đến cái tiết trời còn ỡm ờ chực chờ thay đổi, ấy vậy mà cứ đều như nêm, đúng 6h sáng hàng ngày tại một con hẻm nhỏ không tên nép mình trên con đường Lý Thường Kiệt nhộn nhịp, từng dòng xe thồ, xe ba gác nối tiếp nhau rời đi, bắt đầu một ngày mới mưu sinh đầy khó nhọc. 

 

Chỉ có con người ta rời bỏ Sài Gòn. Chứ Sài Gòn, chẳng chê bai ai, chẳng ruồng bỏ ai. Ở nơi đó, những phận người lam lũ, khó nhọc, nương tựa với nhau hình thành một xóm, “Xóm ve chai” – tên xóm cũng là tên nghề, nghe thân thương mà sao buồn man mác.

Chả biết tự bao giờ và từ lúc nào mà cái xe đồng nát hay xóm ve chai hình thành nên cái tên và khẳng định luôn cảsố phận con người gắn liền với nó. Chỉ biết đa phần những người dân trú ngụ tại con hẻm này đều là những người con xa quê vào Sài Gòn lập nghiệp, có người đến từ Quảng Ngãi xa xôi, có kẻ lại rời đi từ Phú Yên đầy nắng và gió quanh năm chẳng rõ mặt người. 

“Ai đồng nát đây..

Ai ve chai đây...”

Hòa lẫn trong tiếng còi xe ồn ã quen thuộc nơi phố thị là tiếng rao đặc sệt giọng quê nhà, mọi người tất tả đẩy chiếc xe thồ cà tàng với vài dụng cụ đơn giản như cái còi, cái cân, vài 3 sợi dây ràng chuẩn bị sẵn cho những chuyến hàng  đồng nát. Cứ thế, từng dòng xe nối đuôi nhau rời con hẻm nhỏ.

Ở chiều ngược lại, cũng có thấp thoáng bóng dáng vài chiếc xe nặng oằn vừa trở về cùng với thành quả sau một đêm trắng mắt trên đường.

- “Được bộn hả bây”? Giọng hỏi thì đầy vẻ quan tâm, háo hức, tưởng như vui lây với niềm vui "trúng quả" của người được hỏi sau một ngày đạp xe rạc cẳng.

- “Dạ thím, qua nay trúng mánh, được mớ ở công trình, họ cho mình tí vỏ bao, sắt vụn” - nghe tiếng cười hồ hởi cũng biết được tâm trạng đầy ắp niềm vui. 

Vợ chồng anh Minh và chị Lan vừa nhanh nhẹn dỡ bao phế liệu, vừa trò chuyện với chúng tôi: “Bán hết mớ này lãi chắc cũng tầm 4 xị, may sao hôm qua người ta cho nhiều nên vốn ít – lãi nhiều, cứ đà này mấy hôm nữa là đủ tiền về Phú Yên ăn tết với hai sắp nhỏ, nhớ nó quá chừng”.

Sắp nhỏ mà anh nói là hai đứa con ở cùng ông bà nội, cả năm chỉ được gặp ba mẹ đúng dịp Tết về, mà có khi còn không được. Như năm kia anh kể, cuối năm làm quả bệnh nặng, tiêu sạch tiền dành nên chỉ dám gửi ít về quê, còn vợ chồng thì lặng lẽ đón tết xa nhà, xa con.

Cứ thế, sau vài ba câu tán gẫu, họ rời nhau mỗi người một ngả rồi dần khuất bóng ở phía đường lớn thênh thang. Họ chạy đua với sự hối hả của phố phường, chạy qua lớp lớp bụi đường, nắng cháy rồi chạy lướt qua cả bệnh tật, với tuổi tác của chính mình với sự sợ hãi và lo lắng. Sợ bát cơm của lũ trẻ không đầy, sợ con mình chậm tiền học phí… hằng hà những nỗi lo như thế làm bánh xe thêm trĩu nặng, bởi từng ngày trôi qua với họ là cả một sự thách thức, một cuộc chạy đua vượt qua cả giới hạn của bản thân. 

“Cô mong sao con cô nó mau tốt nghiệp ra trường, có công việc làm ổn định rồi thì cô cũng đỡ lo, chứ thân thể mình bây giờ thấy nó cũng bắt đầu rệu rã, đi xa không được nữa rồi. Đến tuổi này chỉ muốn về lại quê nhà, về với ông bà mình mà sợ về rồi lại chả có cái ăn, làng cô ai cũng đói nghèo thế cả”, vừa nói cô Bảy vừa lấy tay quệt giọt mồ hôi chảy vội trên khuôn mặt khắc khổ của mình.

Giấc mơ xuân đến vội

Tầm 19h tối, từng chiếc xe thồ đầy ắp nối đuôi nhau đi vào con hẻm nhỏ, kết thúc một ngày rong ruổi mưu sinh. Đan xen giữa những tiếng cười nói rôm rả là vai ba giọng thở dài não nuột hôm nay ít hàng, trách sao đẩy xe nghe nhẹ bẫng.

Tại gian nhà nhỏ, người chủ vựa liên tục phân đếm các món hàng nào giấy, nào lõi đồng, nào sắt vụn… vừa nhanh nhảu tính toán vừa hỏi han vài ba chuyện với các con buôn.

“Thấy họ nghèo khó mình cũng thương, mình cũng là dân buôn đi lên thành chủ vựa nên hiểu nghề này vất vả thế nào. Đôi lúc mấy cái món lẻ lẻ, tiền hổng đáng là bao nhưng vẫn làm tròn, cho mọi người được thêm mớ rau, lon gạo. Mới tháng trước có thằng bé đi mót kiểu gì mà bị mấy thanh sắt công trình cứa vô cái bị uốn ván, thương nó nghèo, tui cho nó 1 triệu để nó thuốc than. Mình nghèo cũng nghèo rồi, sống hơn nhau bởi cái tình thôi, mấy em thấy phải không?” - Ông Hùng, một chủ vựa ở đây vừa trò chuyện, vừa hỏi chúng tôi như thế. Câu hỏi không cần trả lời, một sự trao đi mà không cần hồi đáp, thế mới thấy cái tình người xa quê ở Sài Gòn vẫn thấm đẫm biết bao nhiêu. 

Ở góc xa, chị Ngọc Liên (quê ở Quãng Ngãi) liên tục xuýt xoa khi nghe tin hết vé tàu xe về Tết: “Còn non tháng nữa là Tết, giá cả năm nay lên cao quá, không biết có đủ tiền mua mấy cân thịt trữ cho lũ nhỏ hay không? Mà sợ nhất là hết vé về quê, năm trước chị được về xe từ thiện của thành phố, năm nay không biết có được cho nữa không? Chứ tình hình có khi không mua được vé ấy cô ạ”.

Một ngày dài khép lại, sự mệt mỏi tạm nhường lại cho những câu chuyện cười chắp vá, vài cuộc điện thoại kéo gần những mong nhớ phương xa. Hơn hết, gạt qua những bộn bề thường nhật, xóm ve chai ấy vẫn luôn mang theo những hy vọng và niềm tin về một mùa xuân no ấm, đủ đầy và đoàn viên bên gia đình…

Đọc thêm