Cùng với Tết Nguyên đán, tết "Pây tai" là một trong hai cái tết quan trọng nhất trong năm, góp phần tô điểm thêm bản sắc văn hóa của người dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng. "Pây Tai" theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là "về ngoại".
Giống như cái tên của nó, tết "Pây tai" là ngày mà những người con gần xa cùng nhau về sum họp tại nhà ngoại. Là dịp để những người con gái đã đi làm dâu, con rể và các cháu ngoại sẽ cùng nhau về báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Theo truyền thống, con gái và con rể sẽ đem lễ về thăm nhà ngoại để tỏ lòng biết ơn sinh thành của cha mẹ. Món quà mang về thăm cha mẹ bên ngoại ít nhiều do từng nhà, nhưng không thể thiếu đó là 2 con vịt béo, vài cặp bánh gai hoặc bánh chuối và một chai rượu nhỏ.
Tại Lạng Sơn, tùy từng nơi, tùy từng dân tộc mà định ngày ăn rằm tháng 7 khác nhau. Người Tày và người Nùng thường ăn rằm ngày 14, người Kinh thì ăn rằm ngày 15. Hiện nay, do yếu tố công việc khiến cho nhiều gia đình không thể tổ chức tết "Pây tai" được đúng ngày, nhưng dù bận rộn đến đâu, những người con dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng cũng sẽ đi về quê hương nhà ngoại để báo hiếu cha mẹ.
Anh Tô Văn Xuyên, dân tộc Tày, thôn Pò Cại, xã Gia Cát (Cao Lộc, Lạng Sơn) cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp rằm tháng 7 là bà con nơi đây lại làm bánh gai, có nhà thì làm bánh chuối, nhà nào cũng trên dưới 100 cặp bánh, một phần để làm lễ đi ngoại, một phần để biếu anh em, họ hàng. Đến ngày "đi ngoại" thì chuẩn bị thêm 2 con vịt, bánh kẹo, hoa quả, rượu là đủ lễ.
Tôi làm việc tại Bắc Ninh, vợ tôi cũng là người Tày ở Bắc Kạn, nhưng năm nào tôi cũng chuẩn bị lễ đầy đủ và về với ông bà, bố mẹ vợ, bây giờ đường cũng dễ đi hơn xưa rồi".
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Mai (Thôn Nà Ca, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc) cùng làm bánh gai để chuẩn bị cho tết “Pây Tai” |
Từ bao đời nay, người Tày, Nùng vẫn gìn giữ nguyên vẹn tết "Pây tai" dịp rằm tháng 7 với những giá trị nhân văn, giáo dục sâu sắc. Đây cũng là dịp để các gia đình đoàn viên, sum họp. Cùng với ý nghĩa lễ Vu Lan trong Phật giáo, tết “Pây tai” chính là phong tục mang đậm tín ngưỡng hiếu kính cha mẹ của người Tày, Nùng trong ngày rằm tháng Bảy, góp phần tô điểm thêm phong phú không gian văn hóa chung của đồng bào các dân tộc, là những nét đẹp văn hóa cần tiếp tục được gìn giữ và phát huy.