Thái Bình quyết tâm dập dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát

(PLVN) - Giá lợn vừa tăng thì người nông dân Thái Bình lại phải đối mặt với đợt dịch tả Châu Phi bùng phát. UBND tỉnh đang tập trung mọi biện pháp khống chế, tránh dịch lây lan ra diện rộng.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra công tác xử lý, dập dịch tả lợn châu Phi tại xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng)

Ngày 28/10, ông Phạm Thành Nhương - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp Phát triển - Nông thôn Thái Bình) cho biết, từ ngày từ ngày 12/10, dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu tái phát trở lại tại Thái Bình.

"Ổ dịch đầu tiên được ghi nhận tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Minh Khai, huyện Hưng Hà. Đến ngày 18 và 19/10, tiếp tục phát hiện 2 hộ chăn nuôi tại xã Thái Hưng, huyện hưng Hà và xã Đông Hòa (TP.Thái Bình) xuất hiện lợn ốm, chết có triệu chứng, bệnh tích của bệnh" - ông Nhương nói.

Đến hết ngày 26/10, trên địa bàn tỉnh Thái Bình ghi nhận 5 hộ chăn nuôi lợn đã xuất hiện dịch bệnh tại 5 thôn, 5 xã thuộc 3 huyện, thành phố gồm Hưng Hà, Đông Hưng và TP.Thái Bình. Số lợn đã tiêu hủy là 45 con.

Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh Thái Bình có tổng đàn lợn khoảng 700.000 con. Xã có số lượng nuôi lớn nhất là xã Duyên Hải (huyện Hưng Hà) với xấp xỉ 20.000 con.

Từ ngày 25/10, địa phương này đã xuất cấp hỗ trợ cho 8 huyện, thành phố hơn 16 tấn hóa chất để triển khai phòng, chống dịch bệnh, trọng tâm là tổ chức vệ sinh khử trùng, tiêu độc kéo dài đến ngày 25/11.

Lực lượng chức năng tiến hành công tác tiêu hủy số lợn mắc bệnh dịch tả Châu Phi

UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm không để người dân hoang mang nhưng không chủ quan trước tình hình dịch; cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi; chủ động khai báo dịch và chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch.

Tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ lợn; chỉ nhập lợn rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch về chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ trên địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, triển khai, tổ chức thực hiện “Tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm” theo kế hoạch của tỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Đọc thêm