Thái Nguyên đầu tư hơn 35 tỷ đồng nâng cấp Khu di tích Lịch sử quốc gia 27/7

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Thái Nguyên vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo, nâng cấp Khu Di tích lịch sử Quốc gia 27/7 - địa điểm công bố ngày Thương binh – Liệt sỹ toàn quốc (27/7/1947) tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ với mức đầu tư hơn 35 tỷ đồng.
Cổng Khu di tích Lịch sử quốc gia 27/7.
Cổng Khu di tích Lịch sử quốc gia 27/7.

Khu Di tích lịch sử quốc gia 27/7 thuộc tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ là nơi ghi dấu sự kiện ngày 27/7/1947 tại gốc Đa xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn).

Nơi đây đã diễn ra một cuộc mít tinh trọng thể gồm 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư­ của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời ngày Thương binh liệt sỹ ở nước ta. Di tích địa điểm nơi công bố Ngày thương binh liệt sỹ toàn quốc tại xã Hùng Sơn, Đại Từ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1997.

Ghi nhớ công lao to lớn của Bác Hồ vĩ đại và các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, ngày 3/2/1997 Bộ Lao động và Thương binh Xã hội đã tiến hành khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm, trư­ng bày truyền thống, khuôn viên di tích với tổng diện tích 3.000m2.

Năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Đảng, Nhà nước đã cho quy tụ chân hương của các anh hùng liệt sỹ từ các nghĩa trang lớn trên khắp cả nước như: Bến Dược (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh); Nghĩa trang Trường Sơn; Nghĩa trang Đường 9… và rước chân hương về thờ tại Di tích để đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên được thường xuyên viếng thăm, bày tỏ niềm tự hào dân tộc và thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đến những người con bất diệt của Tổ quốc đã ngã xuống vì nước vì dân.

Hiện trạng một số mái công trình lợp ngói, đã bị phồng rộp, bong tróc, rêu mốc.

Hiện trạng một số mái công trình lợp ngói, đã bị phồng rộp, bong tróc, rêu mốc.

Tuy nhiên, hiện nay công trình hiện hữu trong khu di tích có quy mô nhỏ, kết cấu không bền vững, đã xuống cấp, chưa xứng tầm với di tích tích lịch sử cấp Quốc gia. Vì vậy UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo, nâng cấp Khu di tích Lịch sử quốc gia 27/7 với quy mô mở rộng lên tới 1166m2 và nhiều hạng mục quan trọng.

Cụ thể, quy mô mở rộng 1166m2 trong diện tích đất hiện có của khu di tích là 19.760,97m2 và đường giao thông mở rộng. Với các hạng mục tu bổ, tôn tạo gồm: Tu bổ, tôn tạo Đền thờ Bác Hồ (công trình chính); Tu bổ, tôn tạo các hạng mục phụ trợ cho phù hợp với tổng thể...).

Các hạng mục bổ sung (xây dựng mới) như: Nhà đón tiếp, trưng bày hiện vật 01 tầng diện tích sàn khoảng 219.5m2; Cổng tam quan; Lầu chuông, lầu trống; Đền thờ tiến Sỹ (Phá dỡ đền hiện có và xây đền mới tại vị trí cũ); Đền thờ mẫu (Phá dỡ đền hiện có và xây đền mới sang vị trí mới); Đường giao thông; Am Hóa vàng; Hệ thống điện, âm thanh, chiếu sáng;…

Dự án do Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư, kinh phí của dự án hơn 35 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác.

Công trình được tu bổ, tôn tạo sẽ là một địa điểm, di tích lịch sử mang tính giáo dục tinh thần uống nước nhớ nguồn, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đồng thời góp phần phát triển hoạt động văn hóa, du lịch của địa phương.

Đọc thêm