Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số. Mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Song đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Qua 9 tháng triển khai Nghị quyết số 01/NQ-TU, chuyển đổi số tại Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Về xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Đến nay hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên được vận hành ổn định. Đến nay, hệ thống gửi/nhận trên 2.230.545 văn bản trên toàn tỉnh. Vận hành dịch vụ công nghệ thông tin đối với 03 hệ thống nền tảng là Cổng thông tin điện tử; Mạng truyền số liệu chuyên dùng; Hội nghị truyền hình bảo đảm liên thông 3 cấp từ tỉnh đến xã và ngược lại. Triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên (IOC) tại trụ sở UBND tỉnh với 11/12 hạng mục. Xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) tỉnh Thái Nguyên có các thành phần đáp ứng yêu cầu theo hướng dẫn tại Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0.
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên IOC ( Ảnh: Sở TTTT tỉnh Thái Nguyên) |
Hệ thống thư điện tử tại địa chỉ: http://mail.thainguyen.gov.vn, đã cấp cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh với tổng số 14.831 tài khoản thư điện tử. Theo thống kê, tỷ lệ các tổ chức và cá nhân thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc đạt trên 90%.
Cổng/trang thông tin điện tử: 100% các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng, duy trì và vận hành.
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng đã khẩn trương tuyên truyền, quán triệt, triển khai nghị quyết tới 100% cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ về nghị quyết chuyển đổi số. Trong đó, 100% cuộc họp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND đều triển khai giải pháp phòng họp không giấy; cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 đủ điều kiện trên cổng dịch vụ công của tỉnh; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được xây dựng, kết nối từ Trung ương về 9 đơn vị cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ gần 200 cuộc họp, trong đó có nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến, góp phần vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; hệ thống cổng, trang thông tin điện tử được xây dựng, kết nối đến 100% các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn…
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực; có bước đột phá. Việc triển khai, quán triệt Nghị quyết về chuyển đổi số được thực hiện kịp thời, hiệu quả; các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được tăng cường; bước đầu đã tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và toàn xã hội.
Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động quản lý nhà nước góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý, gửi nhận văn bản điện tử, tổ chức hội nghị trực tuyến được thực hiện thường xuyên, thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và hệ thống một cửa điện tử từ tỉnh đến cấp xã từng bước hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Việc xây dựng triển khai các hệ thống, nền tảng công nghệ tại Trung tâm Điều hành thông minh và ứng dụng C-ThaiNguyen đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường kênh tương tác giữa chính quyền và người dân.
Ngày 19/10/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố báo cáo kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020; theo đó, tỉnh Thái Nguyên xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố (trong đó chính quyền số xếp hạng 03/63, kinh tế số xếp hạng 19/63, xã hội số xếp hạng 37/63). Mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 07 địa phương xếp loại A (quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức tốt), nhóm dẫn đầu cả nước.
Trong thời gian tới, “hành trình chuyển đổi số” của tỉnh Thái Nguyên sẽ đưa địa phương tiến lên, hòa nhịp cùng sự phát triển là nền tảng, động lực quan trọng, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.