Thái Nguyên phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực để quản lý, đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, tạo lợi thế để phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Khu Di tích lịch sử Địa điểm lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 1/9/1954)
Khu Di tích lịch sử Địa điểm lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 1/9/1954)

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được công nhận, bảo tồn và phát huy giá trị, trong đó có 6 di tích quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh, 88 di tích được UBND tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương. Những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử được bảo tồn và phát huy giá trị trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng, là điểm du lịch, văn hóa tâm linh hấp dẫn của người dân trong và ngoài tỉnh.

Thực hiện đánh giá tài nguyên du lịch, xác định loại hình du lịch có tiềm năng, thế mạnh phát triển để từ đó tập trung làm tốt công tác quy hoạch, từ năm 2019 đến nay, thành phố Thái Nguyên đã thực hiện việc trùng tu, tôn tạo được 7 di tích, với kinh phí trên 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố và nguồn xã hội hóa.

Tại các địa phương, có 6 điểm du lịch đã được quan tâm lập quy hoạch để mời gọi đầu tư khai thác, phát triển nguồn tài nguyên du lịch: Phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với tài nguyên du lịch cảnh quan Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến 2030 và các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vùng chè Tân Cương, lập quy hoạch phát triển loại hình du lịch lịch văn hóa lịch sử “Du lịch về nguồn” với tài nguyên du lịch là giá trị lịch sử của di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa và các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc.

Những năm qua công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương trên địa bàn thành phố Thái Nguyên luôn được chú trọng, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đổi mới và sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể như thông qua các buổi tọa đàm, nói chuyện sách, báo, tài liệu tuyên truyền xây dựng phim, hình ảnh tư liệu, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử.

Lễ hội Lồng Tồng là một trong 17 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh được tổ chức hằng năm tại ATK Định Hóa

Lễ hội Lồng Tồng là một trong 17 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh được tổ chức hằng năm tại ATK Định Hóa

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đang phối hợp với các ngành, địa phương triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025”. Theo đó, tỉnh sẽ số hóa toàn bộ hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sưu tầm, phục dựng, tư liệu hóa từ 10-15 di sản văn hóa phi vật thể.

Đặc biệt, đề án sẽ hỗ trợ xây dựng và hoạt động cho 10 - 15 mô hình câu lạc bộ, hợp tác xã thực hành, truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển đời sống cộng đồng, xây dựng bộ tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu phục vụ chương trình giáo dục lịch sử địa phương thông qua di sản văn hóa.

Đối với di sản văn hóa vật thể, tỉnh tích cực rà soát, kiểm kê phân loại xác định giá trị và cấp độ bảo tồn sơ bộ các di tích, số hóa 100% hồ sơ khoa học di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt, quốc gia và cấp tỉnh. Có từ 3 - 6 làng, bản văn hóa truyền thống được đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững theo mô hình Bảo tàng sinh thái và Bảo tàng cộng đồng. Đồng thời, tỉnh xây dựng bộ tài liệu giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa phục vụ chương trình giáo dục lịch sử địa phương thông qua di sản văn hóa.

Trong thời gian sớm nhất, các Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên có tầm nhìn đến năm 2030 sẽ được triển khai thực hiện. Qua đó nâng tầm và phát triển ngành Du lịch Thái Nguyên./.

Đọc thêm