Theo đó, quy hoạch chung TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có các hạng mục gồm: Điều chỉnh quy hoạch chung để xây dựng mới Sân vận động Thái Nguyên tại khu vực phía Tây TP. Thái Nguyên; Quy hoạch đất tại phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) để xây dựng tuyến phố đi bộ.
Sân vận động Thái Nguyên tại khu vực phía Tây TP. Thái Nguyên được thực hiện quy mô 22 nghìn chỗ ngồi, có mái che, trang thiết bị hiện đại đảm bảo đủ điều kiện là một sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, đường Pitch bao quanh trên diện tích 15,47 ha tại xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên). Trong quá trình tái thiết khu vực sân vận động TP. Thái Nguyên và đầu tư xây dựng sân vận động tại Khu liên hợp thể dục thể thao (vị trí tại xã Phúc Trìu và Quyết Thắng) các hoạt động thể dục thể thao của tỉnh và thành phố Thái Nguyên được bố trí sử dụng tại sân vận động Gang Thép (quy mô diện tích khoảng 3,3 ha, sức chứa khoảng 20.000 người).
Phương án quy hoạch đất phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) nhằm mở rộng quảng trường lớn trung tâm, không gian công cộng, thương mại, văn hoá - nghệ thuật, cơ quan, phố đi bộ, cây xanh tạo thành trục cảnh quan quan trọng kết nối quảng trường Võ Nguyên Giáp với sông Cầu, phục vụ cộng đồng và sinh hoạt văn hoá cho Nhân dân, nâng cao chất lượng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, khắc phục tối đa những bất cập, những yếu tố kìm hãm phát triển của tỉnh.
Với phương án điều chỉnh này, Thái Nguyên sẽ hình thành tuyến phố đi bộ đầu tiên với chiều rộng trên 80m, tổng diện tích phố đi bộ khoảng 5 ha tại phường Trưng Vương, một phường trung tâm của TP. Thái Nguyên, đáp ứng sự mong mỏi của người dân cũng như tạo điểm nhấn cho mỹ quan đô thị.
Quảng trường Võ Nguyên Giáp – TP Thái Nguyên |
Việc tổ chức phố đi bộ trong khu trung tâm TP. Thái Nguyên là rất cần thiết, vì khu vực này hiện tại và trong tương lai tập trung nhiều loại hình giao thông công cộng, trong đó Thành phố đã quy hoạch nhiều tuyến kết nối vào khu trung tâm. Vì vậy, phố đi bộ sẽ giúp kết nối và giải quyết ùn tắc giao thông, tạo mỹ quan đô thị, phục vụ du lịch - thương mại... Không những thế Thái Nguyên là địa phương có nhiều điều kiện để phát triển các tuyến phố đi bộ do có lợi thế về phát triển du lịch với vị trí địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi, là trung tâm kinh tế văn hóa của khu vực Việt Bắc nói riêng và vùng Trung du miền núi phía Bắc nói chung.
Mô hình phố đi bộ thể hiện một đô thị văn minh, hiện đại mà thực tế đã được các nước trên thế giới và một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam vận dụng thành công. Được thực hiện khoa học, đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng để tạo tính kết nối, thì phố đi bộ sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, nâng cao hiệu quả sử dụng giao thông công cộng cũng như cải thiện doanh thu từ du lịch, góp phần tạo nên không gian văn hóa, văn minh, đô thị.
Theo dự kiến đến năm 2035, tỉnh Thái Nguyên mang diện mạo đô thị văn minh, hiện đại hơn. Người dân Thái Nguyên sẽ trực tiếp hàng ngày được thụ hưởng những phúc lợi xã hội tốt nhất.