Tại cuộc họp, ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng thẩm định và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của UBTVQH làm cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN giai đoạn 2025-2027 để BHXH Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về BHXH, BHTN.
Các ý kiến cũng cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Nghị quyết. Theo đó, Nghị quyết quy định về chi tổ chức và hoạt động BHXH (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), BHTN giai đoạn 2025 - 2027 (bao gồm cả năm 2025) trên cơ sở thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong đó có BHXH Việt Nam, BHXH Quân đội, BHXH Công an nhân dân và các tổ chức BHTN, tổ chức thuộc ngành Lao động thương binh và xã hội (nay là Nội vụ).
Đối tượng áp dụng bao gồm cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN; các tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN.
Dự thảo Nghị quyết gồm 3 điều, trong đó Điều 1 quy định về chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN giai đoạn 2025 - 2027; Điều 2 tổ chức thực hiện; và Điều 3 là hiệu lực thi hành.
Các ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định nhận định, các nội dung về mức chi tổ chức và hoạt động BHXH cũng như mức chi tiền lương đối với biên chế và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Quân đội, BHXH Công an nhân dân, người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành Nội vụ giai đoạn 2025-2027 là phù hợp, đảm bảo thực hiện theo Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội.
Kết luận nội dung cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, các ý kiến trong Hội đồng thẩm định tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Các nội dung của dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định tại cuộc họp, Thứ trưởng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, hoàn thiện thêm quy định về phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về mặt số liệu, Cơ quan chủ trì soạn thảo phải rà soát, chịu trách nhiệm về mặt số liệu để đảm bảo phù hợp với pháp luật có liên quan.
Lưu ý về vấn đề phân quyền, phân cấp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú cho biết, hiện, Quốc hội đang xem xét dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), trong đó phân quyền cho Thủ tướng rất nhiều.
Do vậy, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại các quy định về phân cấp, phân quyền của Thủ tướng tại dự thảo Nghị quyết để đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định tại dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).
Cùng với đó, cần rà soát lại về ngôn ngữ, kỹ thuật lập pháp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Sau khi tiếp thu các ý kiến phát biểu và hoàn thiện các nội dung này, hồ sơ Nghị quyết đủ điều kiện trình Chính phủ.