Ấn tượng đầu tiên khi đến thành cổ mà chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận đó là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi với bộ rễ sần sùi, cuồn cuộn ôm trọn vào bức tường thành đã đổ nát, tạo nên nét đẹp trầm tích, cổ kính.
Thành cổ Sơn Tây có diện tích 16ha, được một kỹ sư người Pháp thiết kế theo kiểu kiến trúc công trình quân sự với bốn cổng thành chính: Cổng thành phía Nam gọi là cổng Tiền, cổng thành phía Bắc gọi là cổng Hậu, hai cổng Đông – Tây gọi là Tả và Hữu. Riêng hai cổng Tiền và Hậu đều có cầu bắc qua hào nước dẫn vào cổng thành. Cổng Tiền nhìn ra phố Quang Trung, cổng Hậu hướng ra phố Lê Lợi, cổng Tả nhìn về phía chợ Nghệ, cổng Hữu là phố Trần Hưng Đạo. Mỗi cổng thành đều có hình tứ giác mặt cắt hình thang, phía trên mỗi cổng đều có lầu canh vọng lâu và chỉ có duy nhất một lối ra vào.
|
Kỳ đài thành cổ. |
Bề mặt thành có nhiều lỗ châu mai phía trên để quân lính nấp từ trong bắn súng ra ngoài. Phía trong thành các công trình được xây dựng theo kiểu đối xứng trên trục trung tâm bắc – nam. Chính giữa thành là vọng cung, nơi nghỉ của vua mỗi khi vua đi tuần, cũng chính là nơi để các quan trong trấn hàng năm tới tế lễ hoặc vái vọng mỗi khi có chiếu chỉ. Phía Tây thành là võ miếu, nơi thờ các tướng sỹ đã anh dũng hi sinh khi chiến đấu bảo vệ thành. Ở bốn góc thành xưa kia có bốn giếng nước hình vuông rất rộng lớn được xây bằng đá ong xuống đến tận đáy để cung cấp nước cho quân lính sinh hoạt.
Năm 1994, thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa công nhận di tích lịch sử kiến trúc quốc gia. Trải qua gần 200 năm với biết bao thăng trầm lịch sử, thành cổ Sơn Tây giờ chỉ còn lại những bức tường thành cũ kĩ, cổng Tiền, cổng Hậu, hai khẩu súng thần công và một số kiến trúc như vọng lâu, điện Kính Thiên, giếng nước, kỳ đài.
Năm tháng cứ trôi qua nhưng thời gian không thể làm mất đi chiến tích lịch sử. Thành cổ vẫn còn đó dù không còn nguyên vẹn nhưng vẫn oai phong cổ kính, thể hiện một thời hào hùng của dân tộc Việt Nam, là di sản văn hóa quý báu để con cháu ngàn đời sau gìn giữ và trân quý.
|
Nét đẹp thành cổ Sơn Tây. |
Đối với mỗi người con của xứ Đoài, thành cổ Sơn Tây là nơi đã gắn liền với đời sống thường nhật của biết bao thế hệ. Chị Hằng – một người con sinh ra và lớn lên tại nơi đây - chia sẻ: “Tôi gắn bó máu thịt với mảnh đất ven thành. Hồi nhỏ, vào mỗi chiều hè, tôi thường được bố dắt sang thành cổ đi bộ một vòng và kể cho tôi nghe những câu chuyện từ thời chiến tranh. Đến giờ bố tôi đã mất, thành cổ là nơi lưu giữ lại rất nhiều kỉ niệm thời thơ ấu của tôi và bố”. Thành cổ Sơn Tây không chỉ là một chứng nhân lịch sử của dân tộc mà còn là nơi gắn bó thân thuộc với biết bao thế hệ gia đình.
Cho đến nay, thành cổ vẫn là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động sinh hoạt của người dân quanh vùng. Hình ảnh những cụ già tập dưỡng sinh vào mỗi buổi sáng hay hình ảnh các bạn trẻ chạy bộ thể dục vào mỗi buổi chiều đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân ở nơi đây. Cụ Gấm là một người ở tỉnh xa về làm dâu tại mảnh đất xứ Đoài này từ năm 20 tuổi. Cụ vừa cười vừa nói chuyện với tôi: “Năm nay tôi đã gần 80 tuổi nhưng buổi sáng nào tôi cũng dậy từ lúc 5h, cùng với các cụ ở khu phố đi bộ ra thành cổ tập dưỡng sinh. Sau khi tập xong, chúng tôi ngồi cùng nhau ăn một chiếc bánh tẻ Phú Nhi, đặc sản của vùng Sơn Tây, nói dăm ba câu chuyện tuổi già rồi lại trở về nhà”. Lúc trò chuyện với tôi, trên tay cụ Gấm vẫn đang cầm chiếc bánh tẻ còn nóng, gương mặt cụ lấm tấm mồ hôi do mới tập dưỡng sinh xong, nhưng cụ vẫn cười hiền từ và hăng say câu chuyện.
Không chỉ vậy, đến với thành cổ Sơn Tây vào mùa cưới sẽ bắt gặp không ít các cặp đôi đã chọn nơi đây là nơi ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất trong đời người, bởi nơi đây thấp thoáng vẻ đẹp cổ kính, yên bình đến lạ thường.
Đối với những người con xa quê hay những người dân xứ lạ, ai ai cũng muốn trở về, ghé thăm mảnh đất hai vua, ghé thăm thành cổ Sơn Tây - di tích lịch sử kiến trúc độc đáo, để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của bức tường thành làm bằng đá ong, để được thưởng thức những đặc sản của quê hương xứ Đoài.