Nội dung văn bản nêu rõ, giao Sở Giao thông - Vận tải xây dựng kế hoạch kiểm soát tải trọng và kích thước thành thùng năm 2022, ban hành trong tháng 3/2022; tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến đường tại nơi xuất phát, tập kết hàng hóa, khu vực kho, cảng, bến thủy nội địa, các mỏ khoáng sản; đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, như: xác định, bổ sung thêm các vị trí đặt Trạm tại các khu vực có nhiều mỏ vật liệu, đầu mối bốc xếp... các tuyến đường có nhiều xe tải trọng lớn hoạt động; đồng thời sử dụng cân xách tay để kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường quanh khu vực đặt Trạm để xử lý nghiêm các phương tiện cố tình né tránh trạm; Tập trung kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp khai thác mỏ, chủ phương tiện vận chuyển khoáng sản quá tải trọng cho phép ngay tại chân hàng, đầu mối bốc xếp hàng hóa (bằng đường bộ và đường thủy nội địa); yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản phải thực hiện đầy đủ nội dung cam kết về lĩnh vực giao thông vận tải, không bốc xếp quá tải trọng lên phương tiện; thông báo, cung cấp hồ sơ về hành vi vi phạm của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản về Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh đình chỉ có thời hạn hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định; Tổ chức triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự thuộc lĩnh vực giao thông vận tải sau khi được ban hành; Giao Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tham mưu, xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng thuộc Công an tỉnh về tăng cường kiểm soát tải trọng xe, kích thước thùng hàng trên các tuyến đường trọng điểm, tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động; Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở tăng cường khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và Camera giám sát để siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô; thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô có xe ô tô gây tai nạn từ mức nghiêm trọng trở lên; siết chặt công tác kiểm định an toàn kỹ thuật đối với xe tải ben (tự đổ) có trọng lượng lớn, kiên quyết không kiểm định đối với xe tải ben có kích thước thùng hàng không đúng theo quy định; Không cấp đăng ký, đăng kiểm đối với các phương tiện có gắn máy móc, thiết bị khai thác cát, sỏi cho các đơn vị không có giấy phép khai thác cát, sỏi; trong quá trình tham gia ý kiến về lĩnh vực khai thác mỏ khoáng sản yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết về lĩnh vực giao thông vận tải (kiểm soát các phương tiện quá khổ, quá tải; đăng ký, đăng kiểm; vệ sinh 3 môi trường và hoàn trả hư hỏng các tuyến đường do quá trình vận chuyển khoáng sản…) và các quy định khác có liên quan.
Văn bản cũng yêu cầu, Công an tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ. Cung cấp hồ sơ, kết quả xử lý vi phạm về tải trọng của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản về Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định; Chỉ đạo các phòng chức năng và công an các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án huy động tối đa lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi chở hàng quá tải trọng, qua khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ. Đồng thời lập danh sách gửi Sở Giao thông vận tải xem xét không cấp phù hiệu vận tải cho các phương tiện thường xuyên có hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng và cảnh báo; yêu cầu khôi phục lại tình trạng theo Giấy chứng nhận kiểm định An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường trước khi kiểm định đối với các phương tiện tự ý cải tạo phương tiện, thay đổi kích thước thùng xe; Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải hoàn thiện và ký ban hành Quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự thuộc lĩnh vực giao thông vận tải trong tháng 3/2022; chỉ đạo các lực lượng thuộc Công an tỉnh triển khai phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải thực hiện kiểm soát tải trọng xe, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ.
Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết không bốc xếp quá tải trọng lên phương tiện của các doanh nghiệp khai thác mỏ; tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan trong việc khai thác khoáng sản theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các vi phạm trong quá trình khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch, đôn đốc và trực tiếp kiểm tra công tác lắp đặt trạm cân, camera, khung khống chế tải trọng tại mỏ của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không thực hiện; báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/4/2022.
Văn phòng Ban ATGT tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải tham mưu cho Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với các doanh nghiệp vận tải, chủ mỏ vật liệu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng cơ bản, cung ứng vật liệu và các Ban Quản lý dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời là đầu mối phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền về chở hàng đúng tải trọng bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; Tham mưu cho Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng của các ngành chức năng và địa phương; Tiếp tục tham mưu cho Ban An toàn giao thông tỉnh mua, cấp cân kiểm tra tải trọng xách tay cho Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố chưa được cấp; chủ trì, phối hợp với Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố báo cáo đánh giá về tồn tại, hạn chế, kết quả sử dụng cân xách tay đã được cấp.
Chủ tịch UBND, Trưởng Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác kiểm soát tải trọng; tuyên truyền và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp khai thác vận chuyển khoáng sản, kinh doanh vật liệu xây dựng, các chủ phương tiện tại địa phương chấp hành nghiêm quy định về tải trọng, kích thước thùng chở hàng; Chỉ đạo Ban An toàn giao thông cấp huyện, Công an huyện, UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi chở quá khổ, quá tải, tập 5 trung kiểm tra tại các mỏ đá, mỏ đất, mỏ cát, nhà máy, ... và các tuyến đường được phân cấp quản lý theo thẩm quyền. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng xe quá tải, xe vi phạm kích thước thùng hàng, xe hết niên hạn sử dụng hoạt động tại địa phương mà không kiểm tra, xử lý.
Các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án khi lập Hồ sơ mời thầu phải nêu rõ tải trọng phương tiện phục vụ thi công công trình (đã nêu trong dự toán công trình) và cam kết trong hồ sơ dự thầu về việc chấp hành sử dụng mua, vận chuyển vật liệu đến chân công trình bằng các phương tiện đảm bảo tải trọng theo quy định; Yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công ký cam kết với Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đang quản lý các dự án trên địa bàn tỉnh không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện cơi nới thùng hàng, chở vật tư, vật liệu quá tải trọng vào công trường thi công công trình; có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu, đơn vị thi công không thực hiện đúng cam kết.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm thuộc trách nhiệm được giao thực hiện, quản lý.