Thành phố Hồ Chí Minh: Dấu ấn ngày Văn hóa đọc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Qua những Ngày Sách và Văn hóa đọc vừa diễn ra tại TP HCM, dòng chảy của văn hóa đọc lại một lần nữa được khơi lên, thắp sáng hơn nữa tại thành phố phương Nam vốn mến chuộng việc đọc sách.
Thành phố Hồ Chí Minh: Dấu ấn ngày Văn hóa đọc

Nhiều hoạt động hấp dẫn

Tối 19/4, hàng ngàn người dân thành phố, trong đó có đông đảo người trẻ đã có mặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM để chứng kiến buổi lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022.

Tại buổi khai mạc, người dân thành phố đã được thưởng thức những lát cắt đẹp của văn hóa cổ truyền Việt thông qua các hoạt động như lớp học thầy đồ xưa, ông đồ cho chữ, khu trưng bày sách quý hiếm, thưởng thức đờn ca tài tử và dĩ nhiên không thể thiếu các trải nghiệm liên quan đến sách như trải nghiệm không gian sách số, audio book, tham quan hội sách...

Lần đầu tiên, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức, với thời lượng 6 ngày (19/4-24/4), TP HCM chính là điểm tổ chức chính của Ngày hội năm nay. Chương trình diễn ra trên phố đi bộ Nguyễn Huệ và Đường sách Nguyễn Văn Bình cùng một số quận, thành phố trực thuộc.

Đã có rất nhiều hội sách được diễn ra trong suốt hàng chục năm qua tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhưng đây là lần đầu tiên cả nước mới chính thức có một dịp kỷ niệm dành cho của cả người đọc sách và người làm sách, hay nói rộng hơn, dành cho tất cả những ai dành tình yêu cho sách cũng như cống hiến sức mình để cổ vũ cho văn hóa đọc.

Hội Sách được thiết kế theo 3 không gian: không gian Chuyển đổi số, không gian "Thành phố sách" và không gian giới thiệu các mô hình văn hóa đọc như tủ sách cơ quan, tủ sách doanh nghiệp, thư viện thông minh… Tham gia ngày hội, có 20 đơn vị xuất bản với nhiều chương trình giảm giá, ra mắt sách mới, khuyến đọc... hấp dẫn. Cạnh đó còn là hoạt động Chương trình giao lưu, giới thiệu sách, tọa đàm về văn hóa đọc; trưng bày gần 700 tựa sách nhiều chủ đề.

Tại Ngày hội, trải nghiệm sách số được thực hiện thông qua nhiều chương trình, trong đó được đánh giá đặc sắc là bức tường thế giới âm thanh cùng hoạt động giao lưu với các giọng đọc nổi tiếng, trải nghiệm nghe sách nói miễn phí...

Ngày hội còn thu hút nhiều bạn trẻ bằng các trò chơi dân gian qua Board Game Văn hóa dân gian, bao gồm các trò chơi lên Mâm tết Bắc, Hội Phố, Kinh Lược, Trò chơi ăn ý... tương tác với bạn đọc nhí, các gia đình.

Một trong những hoạt động được chú ý nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa Việt Nam là hoạt động khai trương gian hàng Con mèo nhỏ chuyên nhận đóng sách nghệ thuật, làm bìa và phục chế sách xưa quý hiếm tại Đường sách TP HCM.

Việc xuất hiện một gian hàng đóng sách và phục chế sách xưa được coi là một điểm nhấn thú vị cho Ngày hội, cũng như cho không gian của Đường sách TP HCM. Hiệu sách Con mèo nhỏ sẽ chuyên tập trung vào việc sửa chữa, tu bổ, phục chế và đóng sách nghệ thuật. Gian hàng này lần đầu tiên ra đời nhằm hướng đến đóng sách nghệ thuật, phục chế, bảo quản sách như một liệu pháp kéo dài tuổi thọ cho sách xưa cũ. Tất cả công việc này đều xuất phát từ tình yêu và sự trân trọng đối với các di sản tri thức lâu đời đó là sách.

Ngày Sách và Văn hóa đọc 2022 tại TP Hồ Chí Minh.

Ngày Sách và Văn hóa đọc 2022 tại TP Hồ Chí Minh.

Khơi dậy dòng chảy văn hóa đọc

Có mặt tại Đường sách TP HCM ngày 24/4, nhóm bạn Nguyễn Thị Minh Lan, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, Ngày Sách diễn ra suốt 5 ngày thì nhóm của Minh Lan đã dành hết 3 buổi để khám phá. “Có rất nhiều hoạt động hay, nhiều sách mới, hấp dẫn, mức chiết khấu tốt, những đứa “mọt sách” như tụi em không thể nào bỏ qua được”, Minh Lan cho biết.

Ngày hội sách không chỉ thu hút những người mê đọc sách mà cả những người ấp ủ tình yêu với sách, nhưng vì cơm áo, vì bận rộn tạm lãng quên đi. Có mặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày 23/4, vợ chồng chị Trần Thảo Lan và anh Lê Minh Tâm dắt theo con trai 6 tuổi, cho con tham gia các trò chơi sau đó dạo qua gian hàng sách.

Anh Tâm cho biết: “Đưa con ra đây cho con chọn mua sách ảnh, truyện tranh, khuyến khích tinh thần yêu đọc sách của con. Hai vợ chồng cũng tranh thủ tìm mua một số sách để đọc. Nghĩ lại cũng thấy, đã mấy năm nay công việc bận rộn quá, không đụng tới quyển sách nào”.

Là thành phố phương Nam sôi động và phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, suốt nhiều chục năm qua, dòng chảy của văn hóa đọc chưa bao giờ ngưng nghỉ. Nó được thể hiện bằng những dự án ý nghĩa về hợp tác, trao đổi sách, bằng việc hoạt động xuất bản luôn sôi nổi, nhiều nhà sách, đường sách vẫn là điểm đến quen thuộc, yêu thích của người dân thành phố.

Âm thầm trong dòng chảy văn hóa đọc, là những con người nỗ lực hết mình, khơi gợi niềm yêu sách, hứng thú với sách trong người dân. Như những người bỏ tiền túi lập thư viên cá nhân để thu hút, cổ vũ trẻ em, thanh, thiếu niên đến đọc sách. Có thể kể đến Thư viện cộng đồng VSE được đặt ngay tại trung tâm thành phố (số 6 Phan Kế Bính, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM), điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ. Thư viện do Huỳnh Kim Thịnh, chàng trai 9X thành lập với lòng biết ơn sách. Thư viện mở từ năm 2020 với số sách ban đầu hơn 200 cuốn và ngày càng nhiều hơn. Thịnh mong muốn nâng cao tinh thần, duy trì thói quen đọc của người thành thị.

Hay như Thư viện Đủng Đỉnh đọc do 5 bạn trẻ bỏ tiền túi ra thành lập và duy trì. Thư viện được bố trí theo không gian mở, có khoảng 800 đầu sách, đều đặn tổ chức các chương trình workshop, đọc truyện cùng trẻ, hướng dẫn phụ huynh đọc sách...

Có cả những thư viện tư nhân nho nhỏ trong khuôn viên nhà như thư viện của ông Phạm Thế Cường (quận Gò Vấp) tự bỏ tiền túi ra thành lập thư viện miễn phí để phục vụ các em thiếu nhi trong xóm hoặc sinh viên khu vực chung quanh. Ngoài ra, còn hàng chục thư viện sách lớn nhỏ, do các cá nhân, tổ chức mở miễn phí nhằm cổ vũ văn hóa đọc tại TP HCM những năm qua.

Đọc thêm