Nguồn lực tiếp sức cho những người dân nghèo
Nhiều năm trước, gia đình chị Phạm Thị Kim Ánh (tổ 7, phường Thủy Xuân, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) thuộc hộ cận nghèo của phường. Từ năm 2014, gia đình chị được bình xét cho vay với số tiền 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ cận nghèo, gia đình chị Ánh đã đầu tư chăn nuôi lợn. Hiện nay, gia đình chị đã thoát khỏi hộ cận nghèo. Để tiếp tục phát triển sản xuất nhằm đảm bảo thoát cận nghèo bền vững, gia đình chị Ánh đã tiếp tục làm đơn vay vốn giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên Huế. Với số tiền vay 50 triệu đồng, chị đã đầu tư cải tạo vườn, trồng cây trầm gió và hồ tiêu. Đến nay, gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định.
Cũng như nhiều hộ thuộc đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Huế, năm 2014 gia đình chị Hoàng Thị Kim Khẩn (tổ 4, phường Phú Bình, TP. Huế) được bình xét cho vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay dành cho hộ nghèo. Từ số tiền đó chị đã mở cửa hàng buôn bán đồ ăn. Nhờ “tích tiểu thành đại”, năm 2016 hộ gia đình của chị đã trả được số tiền vay và chuyển từ hộ nghèo lên hộ cận nghèo. Sau đó, gia đình chị tiếp tục vay vốn hộ cận nghèo với số tiền vay 30 triệu đồng. Từ đó, chị đầu tư thêm vốn vào buôn bán. Đầu năm 2020, gia đình chị đã thoát cận nghèo, trả hết nợ tại NHCSXH và chị đã tích lũy được tiền gửi tiết kiệm tại đây với số tiền là 24 triệu đồng.
Đó chỉ là hai trong hàng nghìn hộ thuộc các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố Huế được vay vốn ưu đãi của Chính phủ từ NHCSXH đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Nguồn vốn bổ sung hàng năm từ ngân sách địa phương cùng nguồn vốn Trung ương đã giúp gần 23.000 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh… |
Theo ông Văn Đức Thọ - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời, hoạt động của NHCSXH đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ rất lớn từ Ban Thường vụ Thành ủy Huế, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Huế. Theo đó, chất lượng tín dụng trên địa bàn TP. Huế được nâng lên rõ rệt cả về quy mô và chất lượng. Tổng dư nợ đến 31/8/2020 là 300,5 tỷ đồng, tăng so với năm 2015 là 107 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 11%. Trong đó, dư nợ quá hạn đến 31/8/2020 là 305 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,1%, giảm so với năm 2015 là 132 triệu đồng, tương đương giảm 0,13%.
Nợ quá hạn giảm thể hiện chất lượng tín dụng ngày càng nâng lên, góp phần đưa số phường không có dư nợ quá hạn từ 8 phường cuối năm 2015 đến nay lên 19 phường không có dư nợ quá hạn. Điển hình, một số phường có tỷ lệ nợ quá hạn cao nay không còn nợ quá hạn, như phường Phú Hậu, phường Hương Sơ, phường Phú Thuận, phường Phú Cát…
Chính sách của Đảng, điểm tựa của lòng dân
Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND TP. Huế đã chỉ đạo các ban ngành liên quan phối hợp với NHCSXH xây dựng đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố. Hàng năm trích ngân sách từ thành phố chuyển sang NHCSXH để cho vay 2 tỷ đồng để thực hiện đề án. Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, TP. Huế là đơn vị bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay lớn nhất toàn tỉnh.
Với nguồn vốn được bổ sung từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay từ năm 2016 đến nay là 10 tỷ đồng, góp phần tăng nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố lên 303 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách từ Trung ương là 277,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương tỉnh là 15,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương thành phố là 10 tỷ đồng.
Nguồn vốn được bổ sung hàng năm từ ngân sách địa phương cũng đã góp phần cùng nguồn vốn Trung ương tạo điều kiện cho gần 23.000 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP. Huế. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,52% (năm 2016) xuống còn 1,51% (năm 2020). Giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 3,2% (năm 2016) xuống còn 1,99% (năm 2020)... Hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách góp phần hạn chế tín dụng đen, ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP. Huế.
Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Huế, cho biết, nguồn ngân sách thành phố chuyển sang đều được NHCSXH tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể và Tổ Tiết kiệm và vay vốn bình xét, xét duyệt và giải ngân kịp thời. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm giúp những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2021, thành phố sẽ tiếp tục trích ngân sách chuyển sang NHCSXH tỉnh để góp phần bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố.
Mặc dù với nguồn vốn từ Ngân sách địa phương thành phố chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay còn khiêm tốn (chiếm tỷ lệ 3,3% so với tổng nguồn vốn đang thực hiện cho vay trên địa bàn TP. Huế) nhưng cũng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của thành phố trong việc triển khai và thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn thành phố. Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40, lãnh đạo UBND thành phố Huế đã chỉ đạo các ban ngành phối hợp với NHCSXH tiếp tục xây dụng đề án “cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn thành phố Huế” và đã được Chủ tịch UBND TP phê duyệt số 4293/ĐA-UBND ngày 04/9/2020 để thực hiện.