Sơ sài đến khó tin
Sau sự cố môi trường nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung liên quan đến vấn đề xả thải của Formosa, dư luận có quyền đặt câu hỏi, vì sao để xảy ra sự cố ấy? Ai phải chịu trách nhiệm? Khó có thể tin được rằng, chỉ trước khi phát hiện sự cố môi trường biển miền Trung xảy ra ít lâu, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa nhưng không phát hiện vi phạm nào. Đến khi sự cố xảy ra, kết quả thanh tra toàn diện môi trường cho thấy, Formosa vi phạm lên tới 53 lỗi nghiêm trọng!
Ngày 25/5/2015, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT có quyết định số 648 về việc thanh tra công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn các tỉnh Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Ninh Bình và Vĩnh Phúc. Quyết định do ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khi đó ký (ông Tuyến đã về hưu-PV). Ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường là trưởng đoàn thanh tra.
Tại Hà Tĩnh, Công ty Formosa là một trong 11 doanh nghiệp thanh tra dịp này. Theo Biên bản thanh tra, nội dung thanh tra Formosa gồm việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của công ty, tiến hành lấy mẫu giám định các nguồn chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của công ty xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của công ty (nếu có).
Với một dự án khổng lồ như vậy, nhiều hạng mục phải làm rõ như vậy, mà đoàn thanh tra với 8 người chỉ làm việc trong… nửa ngày là hoàn thành công việc. Một điều lạ lùng đến khó tin, mà bất cứ nhà khoa học nào khi được hỏi cũng phải lắc đầu ngao ngán. Thanh tra kiểu đó thì làm cho có, “cưỡi ngựa xem hoa”, chứ không thể làm rõ được vấn đề gì trong các nội dung thanh tra ấy.
Nội dung biên bản Thanh tra về bảo vệ môi trường tại Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh lập ngày 24/6/2015, trùng nhiều nội dung với Kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường đối với Formosa do ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ký ngày 22/1/2016, dài vỏn vẹn 3 trang.
Kết luận thanh tra cho biết, Dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa gồm 3 hạng mục là nhà máy gang thép công suất 7,5 triệu tấn một năm, nhà máy điện công suất 650 MW và cảng Sơn Dương. Công ty bắt đầu triển khai dự án từ 2008, dự kiến hoàn thành vào 2017. Thời điểm thanh tra công ty đang vận hành thử nghiệm với nhà máy điện (tổ hợp đốt than số 1, công suất 150 MW). Nhiên liệu vận hành là than với tổng khối lượng đã tiêu thụ là 9.000 tấn. Formosa cũng vận hành thử nghiệm trạm xử lý nước thải công nghiệp thuộc nhà máy gang thép từ 17/2/2015… xưởng luyện thép, luyện gang thiêu kết, luyện cốc và nguyên liệu đang trong quá trình lắp đặt.
Theo kết luận thanh tra, Formosa đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ, đã được Sở TN&MT Hà Tĩnh cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải, đã lập báo cáo chất thải nguy hại 6 tháng một lần, đã được cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước, đã kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường với nước thải đến hết quý 1/2015, đã lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho nhà máy điện nhưng chưa được phê duyệt, chưa lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho cảng Sơn Dương.
Cũng theo kết luận thanh tra, Formosa đã xây dựng công trình xử lý nước thải, khí thải. Về nước thải, nước thải sinh hoạt là 1.014 m3/ ngày đêm. Chất lượng nước thải sinh hoạt đạt chuẩn cho phép. Công ty đã xây dựng xong trạm xử lý nước thải công nghiệp nhưng thời điểm thanh tra đã dừng vận hành.
Về khí và bụi thải, theo kết luận thanh tra, chủ yếu là bụi phát sinh từ quá trình thi công. Trong khi chất thải nguy hại chỉ có tổng khối lượng phát sinh là 98kg năm 2014 gồm dầu thải, giẻ lau, chất lẫn dầu, bóng đèn huỳnh quang. Chất thải rắn thông thường được kết luận chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt.
Thanh tra cho có, ai chịu trách nhiệm?
Tiếp xúc cử tri quận 1 và 3, TP.HCM hôm 1/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: Chúng ta đã xác định nguyên nhân, nhà đầu tư đã thừa nhận và cam kết khắc phục, không để tái diễn, đồng ý hỗ trợ chuyển đổi cho ngư dân, đảm bảo thay đổi công nghệ để tránh tái diễn các sự cố môi trường trong tương lai.
“Nhưng không phải vì thế mà không xem xét các trách nhiệm khác. Những hành vi vi phạm này sẽ được điều tra xử lý nghiêm, ví dụ như hành vi chôn lấp rác thải đã xảy ra ở Hà Tĩnh, và lại mới xảy ra ở Đồng Nai. Về phía Việt Nam, phải xem xét trách nhiệm của chúng ta. Trung ương và Chính phủ chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, với tinh thần là nếu có những tổ chức, cá nhân Việt Nam liên quan đến cũng phải được đưa ra xử lý nghiêm. Cụ thể là ai, cũng phải chờ một thời gian ngắn nữa”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia về môi trường, những kết luận này quá chung chung, nặng về đối phó hơn là kiểm tra giám sát. Không hiểu vì lý do gì mà thay vì lấy mẫu giám định các nguồn chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của công ty, đoàn thanh tra lại chỉ lấy một mẫu duy nhất là mẫu nước thải sinh hoạt và kết luận đạt chuẩn. Rồi trong phần “các yêu cầu với công ty” của kết luận thanh tra chỉ vắn tắt 5 dòng “yêu cầu công ty Formosa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thu gom triệt để và xử lý nước thải phát sinh trước khi xả ra môi trường, xử lý khí thải đạt QCVN…”.
Một mình Formosa không tự ý thích làm gì thì làm được. Có hay không việc “nhắm mắt cho qua” những sai phạm của Formosa? Phải chăng trình độ của đoàn thanh tra Formosa trước khi xảy ra sự cố môi trường là “có vấn đề”? Ai phải chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra quá sơ sài, thiếu trách nhiệm như trên, dư luận vẫn đang cần một câu trả lời.