Đây là một trong những điểm chính từ nghiên cứu “Hòa giải ở cơ sở (HGCS): Kinh nghiệm từ một số địa bàn thực hiện dự án của Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF)” dựa trên thực tiễn cơ sở kết hợp với phân tích chính sách để nhận diện vấn đề và đưa ra các đề xuất cải thiện.
Nghiên cứu vừa được công bố ngày 8/7, được thực hiện với 182 cán bộ HGCS và 18 người dân tại 12 xã thuộc 6 huyện của Hòa Bình, Hà Nội, Quảng Bình và Đồng Tháp nằm trong địa bàn hoạt động của Quỹ JIFF.
Thực hiện HGCS trên thực tế cần được tiến hành một cách tự nhiên, khéo léo trên cơ sở “thấu tình, đạt lý” cho các bên. Tuy nhiên, Luật và các văn bản hướng dẫn lại quy định trình tự thực hiện khá cứng nhắc, dẫn đến nhiều người có tranh chấp, mâu thuẫn nhưng không báo cáo sự việc hoặc không muốn lập biên bản hòa giải thành.
Ngoài ra, quy trình bầu hòa giải viên và tổ trưởng tổ hòa giải theo quy định hiện hành về cơ bản bảo đảm tính dân chủ (qua bầu cử) nhưng trên thực tế lại chưa hiệu quả. Thành viên của tổ HGCS phần lớn được cử từ các đoàn thể chính trị - xã hội, thiếu sự tham gia từ cộng đồng.
Mặt khác, HGCS thực chất cũng là hoạt động của cộng đồng, mang tính tự quản, tự giải quyết các bất đồng nhỏ trong dân cư, là tiền đề cho việc mở rộng sự tham gia của công dân và của cộng đồng vào quản lý xã hội, quản lý nhà nước.
Có thể kể ra một số điển hình như sáng kiến mạng lưới hỗ trợ pháp lý ở Lệ Thủy, Câu lạc bộ gia đình và pháp luât huyện Minh Hóa, Quảng Bình, nhóm cộng đồng nòng cốt tại huyện Lạc Sơn hay tổ liên gia tại Mai Châu, Hòa Bình… đã hỗ trợ tích cực quá trình truyền thông, phổ biến pháp luật; bám sát dân, trở thành các chủ thể giảng hòa, phòng ngừa và giải quyết nhiều vụ, việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ, góp phần bảo vệ quyền công dân cho nhóm yếu thế tại cộng đồng.
Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam (là tổ chức giữ vai trò thư ký Quỹ JIFF) cho rằng: “Sự tham gia đa dạng của các lực lượng xã hội có ý nghĩa và hiệu quả thiết thức trong việc nâng cao hiệu quả HGCS. Cần đẩy mạnh sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nữ giới trong công tác HGCS. Công tác HGCS cũng cần đặc biệt quan tâm, hỗ trợ các nhóm cộng đồng gặp nhiều khó khăn, nhóm người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em được tham gia, đưa ra tiếng nói khi thực hiện HGCS”.
Trình bày kết quả nghiên cứu trên, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam Tạ Thị Minh Lý nhấn mạnh: “Để cụ thể hóa các khuyến khích sự tham gia rộng rãi này, Nhà nước cần sửa đổi các điều luật còn mang tính hình thức về cơ cấu tổ hòa giải, điều chỉnh phù hợp vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác trong quá trình thành lập tổ hòa giải, từ đó đa dạng hóa hình thức tổ hòa giải bằng việc tạo cơ chế dân chủ cơ sở phù hợp để người dân, nhóm cộng đồng và các tổ chức cùng tham gia tổ hòa giải, trở thành chủ thể hòa giải”.