Tháo gỡ những vấn đề pháp lý cho trẻ em mồ côi vì đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra trên địa bàn TP. HCM trong thời gian vừa qua khiến hơn 400.000 người mắc COVID-19, hơn 15.000 người tử vong, để lại hàng ngàn trẻ em mồ côi và hàng trăm người cao tuổi mất con, mất người trực tiếp nuôi dưỡng.
Lãnh đạo TP HCM thăm và tặng quà trẻ em mồ côi vì dịch COVID-19. (Nguồn ảnh: Thành ủy TP HCM)
Lãnh đạo TP HCM thăm và tặng quà trẻ em mồ côi vì dịch COVID-19. (Nguồn ảnh: Thành ủy TP HCM)

Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, hiện nay TP. HCM có khoảng 2.000 trẻ em mồ côi vì COVID-19. Đây là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội do cách ly xã hội kéo dài, không có người thân thường xuyên chăm sóc…

Bên cạnh những nỗi đau thương, mất mát do dịch bệnh để lại là những vấn đề pháp lý nảy sinh. Việc giám hộ trẻ em mồ côi, không có người nuôi dưỡng do cha, mẹ, người thân thích chết vì COVID-19 và quản lý di sản chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản...

Nắm bắt được vấn đề này, từ tháng 9/2021, Sở Tư pháp TP HCM đã ra văn bản hướng dẫn các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Theo đó, trường hợp trẻ em mồ côi, trẻ em không ai nuôi dưỡng do mất cha mẹ, người thân thích vì dịch bệnh COVID-19, UBND phường xã, thị trấn nơi trẻ em cư trú có trách nhiệm hỗ trợ, nuôi dưỡng trẻ em, quyết định các biện pháp chăm sóc thay thế theo thẩm quyền, thực hiện đăng ký giám hộ cho trẻ theo đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp trẻ không có người giám hộ, UBND phường, xã, thị trấn thực hiện việc cử người giám hộ theo đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp chưa thực hiện được các biện pháp chăm sóc thay thế cho trẻ, địa phương thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, quản lý tài sản của trẻ trong thời gian chưa tìm được người giám hộ.

Đối với di sản do cha, mẹ, người thân của trẻ bị mất để lại, trường hợp chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản thì di sản do cơ quan có thẩm quyền quản lý và giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.

Trẻ em mồ côi vì COVID-19 rất cần được quan tâm, chăm sóc của toàn xã hội. (Nguồn ảnh: Thành ủy TP HCM)

Trẻ em mồ côi vì COVID-19 rất cần được quan tâm, chăm sóc của toàn xã hội. (Nguồn ảnh: Thành ủy TP HCM)

Giải thích rõ hơn về những vấn đề pháp lý nảy sinh, Luật sư Hoàng Ngọc Quý (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, pháp luật quy định người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) phải có người giám hộ trong trường hợp không còn cha mẹ.

Trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ thì theo thứ tự ưu tiên, những người trở thành người giám hộ đương nhiên là: anh, chị; ông, bà nội, ông bà ngoại; bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột (theo điều 52 bộ luật Dân sự). Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền cử người giám hộ trong trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ.

Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú sẽ cử người giám hộ.

Người giám hộ có nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục trẻ; quản lý tài sản do trẻ được nhận thừa kế từ bố, mẹ đã chết; đại diện xác lập các giao dịch dân sự mà theo quy định pháp luật phải có người giám hộ.

Luật sư Quý cho biết, cá nhân, pháp nhân làm giám hộ phải có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ và có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Về thừa kế, trẻ mồ côi được hưởng phần di sản của cha mẹ theo di chúc (nếu cha mẹ để lại di chúc - chia theo di chúc). Trường hợp cha mẹ chết không để lại di chúc thì trẻ mồ côi được hưởng phần di sản bằng với ông bà nội, ông bà ngoại, các anh chị em khác của mình (nếu cha mẹ chết không để lại di chúc - chia theo pháp luật).

Một trường hợp khác được quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 về thừa kế không phụ thuộc vào di chúc. Theo đó, trường hợp cha mẹ chết có để lại di chúc, nhưng không để lại di sản cho trẻ chưa thành niên thì trẻ cũng đương nhiên được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật mà không phụ thuộc vào việc trẻ có được di chúc của cha mẹ phân chia di sản cho hay không.

Theo quy định, người thừa kế dưới 15 tuổi thì không thể tự mình xác lập, thực hiện việc phân chia di sản thừa kế với những đồng thừa kế khác mà phải thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật. Do đó, khi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, người giám hộ sẽ đại diện theo pháp luật của trẻ mồ côi. Người giám hộ có trách nhiệm, nghĩa vụ giữ gìn khối tài sản cho trẻ và chuyển giao lại khi trẻ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm