Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Đề án, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, từ khi Đề án thực hiện đã tạo hiệu ứng làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của lãnh đạo các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động GĐTP trong hoạt động tố tụng cũng như đáp ứng yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật GĐTP, tiếp đó, Chính phủ và các bộ, ngành ban hành 36 văn bản hướng dẫn giải quyết những vấn đề tồn đọng từ nhiều năm gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho hoạt động giám định. Cùng với đó, hệ thống tổ chức GĐTP công lập, hoạt động giám định chuyên trách trong ba lĩnh vực gồm: Pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự đã được củng cố. Đội ngũ giám định viên tư pháp, người GĐTP theo vụ việc có sự phát triển ngày càng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hiện Luật GĐTP ở một số lĩnh vực giám định chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có quy định xác định thời hạn giám định ở một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng… Quy định về chi phí giám định chưa được triển khai thực hiện phù hợp với thực tế; thiếu hụt người làm giám định trong các lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, nhất là ở địa phương.
Cũng theo Thứ trưởng Ngọc, qua kiểm tra, giám sát ở các địa phương thì cơ sở vật chất của các tổ chức GĐTP, nhất là trong lĩnh vực pháp y còn rất thiếu thốn và lạc hậu về công nghệ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Các cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong việc tìm kiếm, lựa chọn cá nhân, tổ chức để trưng cầu giám định. Các lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng, đất đai... việc thực hiện giám định còn nhiều hạn chế, không đảm bảo chất lượng.
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cũng phản ánh về thực tế thiếu bác sỹ pháp y tại các địa phương, số lượng giám định viên pháp y của Bộ Công an dù đã được bổ sung. Đến nay tất cả 63 phòng kỹ thuật hình sự có bác sỹ pháp y, song phần lớn mỗi địa phương mới có 1 bác sỹ. Cùng với đó, năng lực của đội ngũ giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y Công an nhân dân còn chưa cao; chưa có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhất là trên các chuyên ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Ghi nhận những ý kiến của các bộ, ngành địa phương và để công tác GĐTP trong thời gian tới hiệu quả hơn nữa, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tư pháp căn cứ kết quả của hội nghị, xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc tiếp tục thực hiện Đề án 258 đến năm 2020 gắn với cải cách tư pháp và thực hiện Luật GĐTP. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành địa phương liên quan chỉ đạo tháo gỡ ngay các vướng mắc về giám định trong các vụ án tham nhũng, kinh tế để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng. Người đứng đầu bộ ngành cần quan tâm, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra đảm bảo tốt việc GĐTP ở nơi mình quản lý. Cần chỉ rõ lý do giám định chậm trễ, những trường hợp từ chối, né tránh giám định.
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, trung bình từ năm 2011 đến nay, mỗi năm các tổ chức giám định trong toàn quốc thực hiện giám định hơn 150 nghìn vụ việc chủ yếu ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự. Các lĩnh vực giám định về: xây dựng, tài chính, thuế, ngân hàng, tiền tệ, văn hóa, có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Hiện cả nước có 6.154 giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực và 1.630 người GĐTP theo vụ việc được lựa chọn. Tất cả giám định viên tư pháp được bổ nhiệm đều có trình độ đại học trở lên. Đối với giám định viên pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định trước khi được bổ nhiệm, nhiều giám định viên tư pháp có trình độ sau đại học.