Thảo luận tại Tổ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất nhiều giải pháp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 21/10, tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch Covid-19 và triển khai các kế hoạch cho thời gian tới, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều giải pháp thực tiễn để thực hiện đồng bộ 2 nhiệm vụ trọng tâm trên.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: Trường Khanh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: Trường Khanh

Cụ thể, dưới sự chủ trì của bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH tỉnh đã dành thời gian thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024 và một số nội dung quan trọng khác.

Qua thảo luận, các ĐBQH tỉnh đều khẳng định: Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những kết quả quan trọng mà đất nước đạt được về phát triển kinh tế - xã hội đã thể hiện rõ nét những cố gắng, nỗ lực và sự sáng tạo, linh hoạt của Quốc hội, Chính phủ trong việc kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng thể chế kinh tế và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá sâu những mặt còn hạn chế, đặc biệt là đánh giá sâu các vấn đề bất cập trong phòng, chống dịch Covid; tác động của đại dịch đến kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là "làn sóng" dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trong quý III là quý quan trọng của năm; phân tích sâu nguyên nhân 4/12 chỉ tiêu không đạt trong phát triển kinh tế.

Về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trong năm 2022, cơ bản các đại biểu đồng tình với chỉ tiêu, giải pháp mà Chính phủ trình. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị nghiên cứu một số nội dung: Mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) cần xem xét lại trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid cho sát với thực tế đất nước; khẩn trương hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid - 19, đặc biệt là tại các địa phương có tỷ lệ tiêm còn thấp.

Các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách an sinh xã hội để kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng từ đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi do cha mẹ, người thân qua đời do đại dịch và khi ban hành văn bản, quy định liên quan đến quyền công dân thì cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, có đánh giá, tác động, chuẩn bị công tác truyền thông, lắng nghe ý kiến người dân.

Chính phủ cũng cần nghiên cứu đưa vắc xin phòng Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia và bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện và cần bổ sung thêm những giải pháp thực sự đột phá để tháo gỡ khó khăn cho ngành dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp lưu thông hàng hóa.

Quốc hội cần nghiên cứu dành nguồn ngân sách đầu tư cho hệ thống y tế, nhất là tuyến cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phòng bệnh, đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Về việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong nghị quyết của Quốc hội. Cho đến nay, nhiều quy hoạch quan trọng ở cấp quốc gia vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Do đó, các đại biểu cho rằng cần phải đánh giá sâu sắc hơn nguyên nhân của vấn đề này, đặc biệt làm rõ dịch Covid-19 có thực sự là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch không (tránh tình trạng hạn chế nào cũng quy về nguyên nhân do dịch Covid-19); xác định rõ trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch; đồng thời, đề ra mốc thời gian cụ thể phải hoàn thành việc lập quy hoạch.

Đọc thêm