Thấp thỏm… những quy định về quê ăn Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tết Nguyên đán là dịp người dân xa xứ háo hức được sum họp gia đình. Vừa qua, một số tỉnh, thành trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã có những quy định khác nhau với người dân đi học tập, làm ăn xa trở về địa phương ăn Tết, gây nhiều hoang mang cho người dân.
Người dân mong đơn giản hóa quy định về quê ăn Tết.
Người dân mong đơn giản hóa quy định về quê ăn Tết.

Tỉnh nới lỏng

Hải Phòng không có quy định riêng đối với việc người dân về đón Tết. Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng không có bất kỳ quy định nào về việc người dân trong nước, nước ngoài về đón Tết. “TP Hải Phòng đã thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Do vậy, TP áp dụng quy định của Bộ Y tế. Những người ở nước ngoài về tiêm đủ vaccine và âm tính sẽ theo dõi 3 ngày tại gia đình. Ở những tỉnh thành phố khác, chúng tôi tuyên truyền vận động tiêm đủ vaccine, không có quy định nào khác” – ông Lê Khắc Nam khẳng định.

Ngoài Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định chính thức xóa bỏ các quy định, nới lỏng cho người dân về quê ăn Tết. Sơn La, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bình Phước, Bình Thuận… đều áp dụng thích ứng an toàn với dịch COVID-19 nên không có quy định cách ly hay theo dõi sức khỏe công dân từ nơi khác đến tỉnh hoặc về quê ăn Tết. Theo đó, người đã tiêm đủ 2 liều vaccine trở lên khi về đến địa phương chỉ cần khai báo y tế và thực hiện 5K, không bị cách ly theo dõi dưới mọi hình thức. Các trường hợp khác thì phải cách ly y tế để theo dõi.

Tỉnh siết chặt, yêu cầu xét nghiệm

Ngày 11/1/2022, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc đã có Công văn số 229 về việc tăng cường thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Theo đó, đối với người đến/về Vĩnh Phúc từ khu vực nguy cơ cao, các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là thành phố Hà Nội: Khi đến liên hệ công tác, làm việc, giao dịch cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên cho kết quả âm tính trước khi vào cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, đồng nghiệp và đối tác. Yêu cầu người dân liên hệ với UBND cấp xã nơi cư trú để khai báo y tế và vận động người dân tự thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên, cho kết quả âm tính trước khi trở về để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình, hàng xóm và cộng đồng. Các trường hợp không tuân thủ thực hiện, nếu để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Được về quê đón Tết là mong ước của nhiều người dân tha hương.

Được về quê đón Tết là mong ước của nhiều người dân tha hương.

Cũng như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Yên Bái, Thái Nguyên, An Giang… yêu cầu người đến từ tỉnh, thành có ca nhiễm cộng đồng vào địa bàn phải có kết quả test nhanh âm tính trong 48 giờ hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ.

Có tỉnh khuyến khích người lao động ở lại ăn Tết và tiêm mũi thứ ba. Quảng Ninh yêu cầu tất cả cơ quan, địa phương, đơn vị động viên người lao động không về quê ăn Tết, không ra khỏi địa bàn, đồng thời có biện pháp tăng cường chống dịch dịp Tết.

Tỉnh Quảng Nam ban hành chỉ thị về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 an toàn, vui tươi, lành mạnh, nghĩa tình và tiết kiệm. Các địa phương tuyên truyền nhân dân vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về tỉnh khi không thật sự cần thiết; kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu người từ vùng đang có dịch trở về địa phương phải thực hiện nghiêm việc khai báo, theo dõi y tế, cách ly theo quy định.

Tỉnh Quảng Trị ban hành quy định mới về phòng, chống dịch đối với người về từ vùng dịch và người nhập cảnh. Trong đó yêu cầu, đối với người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trở về vùng cam cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Đối với người về từ vùng đỏ phải cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo. Riêng với người đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng về từ vùng đỏ thì cách ly tại nhà 14 ngày.

Đối với người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều về từ vùng vàng thì cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Với người về từ vùng cam cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo; người về từ vùng đỏ cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày và cách ly tại nhà 14 ngày tiếp theo sau cách ly tập trung.

Người dân hoang mang

Các tỉnh có quy định về việc phòng chống dịch khác nhau khiến không ít người dân hoang mang, nhất là quy định về từ vùng đỏ, vùng cam, rồi phải xét nghiệm trong vòng 72 tiếng, cách ly 14 ngày. Đó là chưa kể, nhiều quy định “trên trời” rồi lại nhanh chóng hủy bỏ khiến người dân… không biết đâu mà lần.

Còn nhớ, trong Văn bản số 74/UBND, lãnh đạo xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La gửi ban quản lý các bản yêu cầu các hộ gia đình có người thân đi lao động, làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, lao động tự do ngoài tỉnh có nhu cầu trở về địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 phải chủ động về trước ngày 10/01/2022 để đảm bảo cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Như vậy, người lao động là con em xã Chiềng Yên đang đi làm ở ngoại tỉnh sẽ phải về ăn Tết trước 22 ngày, nếu không sẽ khó có thể ở nhà ăn Tết cùng gia đình. Thông tin này gây hoang mang cho người dân Chiềng Yên xa quê. Nhiều người dân cho rằng quy định này là bất hợp lý và gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và cả người lao động. Chiều 4/1/2022, UBND xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ đã có văn bản hủy bỏ quy định “tréo ngoe” trên.

Cũng liên quan đến vụ việc cách ly y tế người về từ vùng dịch, mới đây, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình có công văn yêu cầu cách ly người về từ Hà Nội khi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, đang ở vùng dịch cấp độ 2, màu vàng; người ở vùng dịch cấp độ 3, 4 đến Ninh Bình phải bị cách ly tập trung 14 ngày. Đối với người tiêm đủ 2 mũi, phải xét nghiệm PCR và cách ly tại nhà. Ngay sau đó, Bộ Y tế có văn bản hỏa tốc, yêu cầu tỉnh Ninh Bình rút công văn cách ly nói trên. Địa phương này sau đó thay thế bằng một văn bản khác, phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Chị Xuân Mai, 33 tuổi (Hà Nội) cho hay: Dịch bệnh khó lường, hôm nay quận này vàng, mai lại chuyển sang đỏ, chúng tôi cứ phải ngóng thông tin nơi mình ở màu gì để khi về quê còn làm xét nghiệm hay cách ly. Kế hoạch ăn Tết, thăm họ hàng có thể bị thay đổi. Mẹ tôi ở quê suốt ngày hỏi xem nơi tôi ở có nhiều ca dương tính không? Mẹ vừa muốn tôi về ăn Tết nhưng lo tôi phải cách ly 7-14 ngày như quy định địa phương. Nghỉ Tết ngắn - cách ly dài, cách ly xong cũng qua Tết, vậy thì về quê sum họp có ý nghĩa gì nữa”.

Anh Trần Văn Sơn, công nhân cơ khí cho hay: “Mỗi địa phương một kiểu quy định cách ly, đã thế lại quy định “sáng nắng, chiều mưa”, thay đổi, gỡ bỏ khiến người dân khá mệt mỏi và hoang mang. “Về quê hay không về” là câu hỏi mà tôi cứ phải “cân não” trong những ngày này. Tôi và những người trong xóm trọ vẫn đắn đo chưa dám mua vé tàu, vé xe ô tô để về quê ăn Tết. Tôi cho rằng, mọi người tiêm đủ 2 mũi trở lên, tuân thủ 5K là có thể về quê. Tôi thấy cách ly 14 ngày, có giấy xét nghiệm trong vòng 72 tiếng… vừa tốn thời gian, tốn kém xét nghiệm mà lại gây tâm lý không tốt cho những người tha hương về quê sum họp gia đình”.

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khoá XIII cho rằng, có rất nhiều giải pháp để chống dịch, việc ra thư ngỏ hay vận động người dân không về quê ăn Tết là không nên. “Tết Nguyên đán là dịp thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người dân. Cả năm chỉ có 1 dịp lễ Tết để về quê sum họp, thắp hương ông bà, tổ tiên mà ngăn cản người dân không về là không được. Nhiều người dân phản đối là dễ hiểu”, ông Tiến nói.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 128 và Quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, người dân băn khoăn: “Liệu các quy định “chặt” người dân về quê đón Tết của một số địa phương có thực sự cần thiết hay không?”.

Đọc thêm