Thiêng liêng tục truyền lửa đầu năm

(PLVN) - Ngọn lửa từ bó hương thơm rước từ đình ra trong phút chốc hóa hàng trăm cầu lửa và tỏa ra tứ phía, những đầu đuốc cứ ùa vào, bùng cháy lại rút ra mang theo ánh lửa rừng rực nối tiếp nhau chạy về các ngả...
Thiêng liêng tục truyền lửa đầu năm

Một nét đẹp hiếm thấy

Vào dịp đầu năm mới, người Việt ta vẫn thường có tục lệ mua muối, mua vàng, hoặc đi xin chữ, xin lộc để rước về nhà lấy may, cầu cho một năm đủ đầy no ấm. Mỗi một vùng quê lại có một tập quán cầu may xin lộc khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là hoạt động tín ngưỡng mang lại sự đoàn kết gắn bó trong gia đình, khơi dậy sự hứng khởi cho ngày đầu năm mới. 

Ở huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định vào đêm giao thừa, sự hứng khởi ấy còn được nhân lên gấp bội vì phong tục xin lửa Thánh ở đây được người dân xem là nghi lễ quan trọng nhất vào dịp đầu năm. Với người làng Hoành Đông huyện Giao Thủy, xin lộc không phải là những hành vi hái lá bẻ cành phản cảm như ở những miền quê khác, mà lộc ở đây là ngọn lửa được lấy ở trong đình làng, trao truyền cho các nam thanh nữ tú của mỗi gia đình, rước về dịp đầu năm mới. 

Tục rước lửa Thánh này đã có từ rất lâu và cũng đã từng thăng trầm phai nhạt theo dòng chảy của thời gian và nhịp sống đô thị. Nhưng gần đây phong tục này lại được vun bồi và sống lại đầy hứng khởi mỗi khi Tết đến xuân về.

Càng ngày, nhận thức về văn hóa truyền thống càng được lớp trẻ trân trọng hơn. Dù họ có đi làm ăn xa, hay đang sống trong vòng xoáy đô thị  thì những phong tục cổ truyền “rất làng – rất quê” mỗi khi khơi dậy, thế hệ trẻ lại  hồ hởi đón nhận. 

Trước đêm giao thừa, từ chiều 30 Tết, gia đình nào có con trai lớn cũng đều chuẩn bị một cây đuốc, chẻ củi và xếp thành một chồng gỗ trước cửa nhà mình. Củi có thể là ván cũ trong năm qua, gỗ cũ của nhà kho hay củi của bếp bánh chưng còn sót lại, cả những nong nia dần sàng, rổ rá, đồ đạc bằng tre nứa, gỗ đã cũ hỏng, xếp gọn thành một đống củi lớn, sẵn sàng trước cửa mỗi gia đình.

Dường như trong năm, mỗi nhà có gì cũ kỹ cũng muốn chất vào đấy để đốt hết theo tàn lửa đêm 30 - mong cho năm tới được đón vẹn nguyên những điều mới mẻ. 

Không khí chuẩn bị rất nhộn nhịp, ai cũng có việc của mình, phụ nữ trong nhà thì dọn dẹp nấu cơm cúng, đàn ông thì lo cho cây đuốc được chỉn chu. Ngày xưa, cây đuốc dùng để rước lửa Thánh được chuẩn bị từ rất sớm, có khi cả tuần lễ, vì nó là những thanh tre khô, những tấm nứa nỏ, được cất riêng tránh cái tháng mưa phùn gió bấc cuối đông, bó chặt lại với nhau, bện thêm rơm và vải cũ, đủ dài, đủ bén để có thể rước lửa trên con đường gần 1 cây số từ Đình làng về đến nhà mình.

Ngọn lửa thiêng ấy được quan niệm, nếu bị tắt giữa đường sẽ thực sự không may mắn. Nhưng bây giờ, những cây đuốc được “công nghiệp hóa” hơn, cán bằng gỗ cứng, có phễu đựng dầu, có ngăn chứa bấc, và bán rất rẻ ở chợ quê sau Tết 23 tháng Chạp.

Dường như đây là sản phẩm duy nhất của nơi này và chỉ có người dân của ngôi làng  này mới biết công dụng của nó. Mỗi chiều 30, chợ Tết quê vẫn nhộn nhịp vì đám thanh niên đi làm ăn xa về lại nô nức đi sắm đuốc để đêm giao thừa cùng nhau đi rước lửa “Thánh”. 

Làng quê Việt có một điểm chung độc đáo, ấy là đình làng. Mỗi một ngôi làng đều có một nơi sinh hoạt tín ngưỡng, gọi là đình, nơi thờ người có công với làng, có thể là người khai hoang lập đất, người mang nghề về làng, người đầu tiên dựng nhà cất cửa của miền quê đó. Tục rước lửa ở đình về nhà từ bao lâu nay ở làng Hoành Đông huyện Giao Thủy có lẽ mang ý nghĩa cầu may mắn, mong được vị Thành Hoàng Làng chở che bao bọc, cho một năm mới gia đình êm ấm, an yên. 

Khi chuông sang canh vừa điểm 

Khi thời khắc giao thừa thiêng liêng sắp đến, từ mỗi gia đình, bóng dáng của các nam thanh nữ tú quần áo chỉnh tề nô nức ùa ra đường, không khí trẩy hội thực sự được bắt đầu. Mâm cúng giao thừa thấp thoáng le lói trước sân nhà, bên chồng củi cao chất ngất. Từng đoàn người đi trên phố, nói chuyện xôn xao, chào hỏi râm ran, tiếng dặn dò, chúc tụng len lỏi khắp đường làng ngõ xóm.

Việc lấy lửa phải lấy nhanh nhất có thể, sau tiếng chuông đánh điểm sang canh. Những người đi xin lửa cũng không được đến lấy sau thời khắc sang canh đó, vì sự thiêng liêng sẽ không còn, thế nên trước giao thừa cả tiếng đồng hồ, sân đình đã nhộn nhịp hàng trăm trai đinh. Họ là người của những gia đình ở cuối làng, đường xa, đến trước phòng sự không may khi di chuyển. 

Những cây đuốc của người từ xa đến, lúc nào cũng to hơn, nhiều bấc và dầu hơn, chuẩn bị cho chặng đường xuyên làng hun hút. Có gia đình đi cả 3 thế hệ, có gia đình đi hai anh em, có gia đình không có con trai, thì cũng cử con gái lớn trong nhà đi, nhưng vì là phận gái, họ phải ở lại Đình đến cuối lễ, khi các trai đinh đã về hết mới được bước khỏi sân Đình để về nhà. Tập quán này có lẽ xuất phát từ sự an toàn cho “thân gái dặm trường” tránh phải chen chúc trên con đường quê hun hút đêm 30. 

Sân Đình đên giao thừa rộn rã tiếng hỏi thăm của những đứa con xa quê, lâu ngày mới gặp, có những bạn đồng niên cả năm mới có dịp rước lửa để hàn huyên chờ tiếng chuông sang canh.  

Ngọn lửa Thánh được ông thủ đình truyền từ mâm cúng Thành Hoàng đêm giao thừa ra ngoài sân đúng lúc tiếng chuông sang canh vừa điểm. Khoảnh khắc này những trai làng đổ xô vào tim lửa le lói đó với cây đuốc của mình. Những đầu đuốc đầy bấc tẩm dầu như những mũi tên cắm đúng hồng tâm, bừng lên trong khoảnh khắc.

Ngọn lửa từ bó hương thơm rước từ đình ra trong phút chốc hóa hàng trăm cầu lửa và tỏa ra tứ phía, những đầu đuốc cứ ùa vào, bùng cháy lại rút ra mang theo ánh lửa rừng rực nối tiếp nhau chạy về các ngả.

Cứ thế, đuốc ùa vào, lửa túa ra, chạy vòng quanh sân rồi chia về khắp các con đường trong xóm. Nghi thức diễn ra chóng vánh, khí thế và không chen lấn, chỉ thấy bóng người lao xao rộn rã, ánh điện trong Đình cũng đã phụt tắt, chỉ còn ánh lửa rực rỡ soi chiếu khắp các mặt người. 

Giữa đêm hun hút, bóng lửa ùa khắp nơi, theo tiếng chân, theo tiếng gọi nhau í ới, ngọn đuốc bừng sáng náo nức chạy thật nhanh để về thổi bùng lên ngọn lửa ấm trước nhà, thổi bừng lên cả con đường làng tăm tắp. 

Ngọn lửa theo chân những nam thanh nữ tú, đi từ Đình về mỗi gia đình, trước khi thắp bừng lên đống củi trước nhà, còn được truyền tay cho người chủ gia đình, là bố, mẹ, ông bà, chạy từ cửa chính, xuyên qua các phòng, vào đến bếp, ra sân sau rồi mới quay ra như để xua đuổi âm u của năm cũ, nhận hơi ấm của vị Thành Hoàng.

Ánh lửa của ngọn đuốc tỏa khắp không gian, lung linh trong mắt trẻ thơ, náo nức trong lòng người lớn, kết chặt tình đoàn kết xóm giềng, bừng lên cả con ngõ. Những đống củi cháy đỏ trong  sương, kéo hết các gia đình ra ngoài, họ bắt tay chúc tụng nhau, cùng nhau hỏi thăm dành cho nhau lời tốt đẹp đầu năm mới.

Lửa bừng khắp cả con phố, sưởi ấm hết cả ngõ xóm thôn quê, ngọn nửa truyền nhiệt huyết vào mỗi mái nhà, truyền cả hơi ấm trong môi gia đình làng Hoành Đông. Hơi ấm từ lửa, từ mạch nguồn truyền thồng chảy từ bao đời, thổi bừng lên và nóng hổi trong tâm thức mỗi người. 

Phong tục đẹp, hơi lửa của truyền thống, quyện với hơi ấm của sức trẻ đẩy lên sự hứng khởi, sự cố gắng và tình người thắm thiết bao đời để hứa hẹn một năm mới đến rực rỡ, ấm ấp và cũng mạnh mẽ như ngọn lửa dân tộc đã không bao giờ tắt tự bao đời…

Đọc thêm