Việc phê chuẩn Thỏa thuận Paris được thực hiện với sự hiện diện của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Tổng thư kí LHQ Ban Ki-moon và Chủ tịch hội nghị COP21 Ségolène Royal. Với động thái này, rào cản cuối cùng đã bị phá bỏ, tiến trình chính trị của EU để phê chuẩn Thỏa thuận này đã được hoàn tất.
“Ngày hôm nay, EU đã biến tham vọng chống biến đổi khí hậu thành hành động” - Chủ tịch Jean-Claude Juncker phát biểu sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn thỏa thuận.
Cho đến nay đã có 62 nước, chiếm tới 52% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, phê chuẩn Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực 30 ngày sau khi có ít nhất 55 quốc gia đại diện cho ít nhất 55% lượng phát thải toàn cầu phê chuẩn.
Việc EU phê chuẩn sẽ vượt ngưỡng 55% lượng khí phát thải và do đó kích hoạt hiệu lực của Thỏa thuận Paris.
Với sự tán thành của Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu có thể chính thức thông qua quyết định. Song song với đó, các nước thành viên EU sẽ phê chuẩn Thỏa thuận Paris một cách riêng rẽ, phù hợp với quy trình nghị viện của từng quốc gia.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu, thông báo đã có đủ các nước để Thỏa thuận Paris có hiệu lực – một bước đi lịch sử hướng tới việc cứu lấy trái đất.
Ông gọi việc Nghị viện châu Âu tán thành việc phê chuẩn Thỏa thuận của EU là “thời khắc lịch sử” trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
“Hôm nay, thế giới đã đạt được thời khắc lịch sử. Và nếu chúng ta tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận này thì lịch sử có thể sẽ xem đây là một bước ngoặt đối với hành tinh của chúng ta”, ông nói.