'Thổi hồn' vào những bức tường vô tri

(PLVN) - Nghề vẽ tranh trên tường đang phát triển rầm rộ ở cả thành thị lẫn nông thôn. Những bức tường thô cứng qua bàn tay tài hoa của họa sĩ đã trở thành không gian lý tưởng, đa phong cách, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.


“Hô biến” bức tường thành tác phẩm nghệ thuật

Xã hội càng phát triển, nhu cầu thẩm mỹ càng cao. Con người dần chú trọng đến không gian xung quanh và xem đó là một phần cuộc sống. Các quán xá, nhà hàng cũng bắt kịp trào lưu, tập trung trang trí, tạo phong cách riêng, độc đáo cho không gian quán. Từ đó, kéo theo sự phát triển của nghề vẽ tranh tường. Bàn tay khéo léo, tài hoa của họa sĩ, cùng với sự hài hòa giữa đường nét, màu sắc tạo nên một tác phẩm nghệ thuật lôi cuốn, hấp dẫn, một không gian thông thoáng, trang nhã.

Với anh Luân vẽ là đam mê và đã trở thành một phần cuộc sống
 Với anh Luân vẽ là đam mê và đã trở thành một phần cuộc sống

Một buổi chiều muộn, chúng tôi liên lạc với anh Trần Đình Luân (31 tuổi – ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) thì được biết anh vẫn đang tất bật với một dự án tâm huyết tại TP.HCM. Công việc vẽ tranh tường đưa chàng họa sĩ trẻ, tài hoa đi nhiều nơi và tác phẩm “phủ sóng” ở nhiều tỉnh thành.

Vốn là đứa con của vùng đất Quảng Bình đầy nắng gió, có bằng tốt nghiệp trường kiến trúc nhưng cái duyên đã đưa anh đến với nghề vẽ. Anh tâm sự: “Hồi còn là sinh viên để kiếm thêm thu nhập ngoài công việc phục vụ, phát tờ rơi thì vẽ tranh đem lại cho anh nguồn tài chính ổn định. Theo anh, đó là nghề phù hợp với anh nhất và chẳng biết từ lúc nào đã thành đam mê và cuộc sống của anh”.

Là dân “tay ngang” nên khi vào nghề anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với niềm tin và lòng nhiệt huyết anh đã tự học, tự mài mò từ đồng nghiệp, mạng internet… để nâng cao tay nghề. Hiện, anh đã khẳng định được vị thế nhất định trong giới vẽ tranh tường. Anh được mời thực hiện nhiều công trình, dự án lớn nhỏ ở khắp nơi trong cả nước. Anh Luân chia sẻ, để hoàn thiện một bức tranh phải qua rất nhiều công đoạn và còn tùy thuộc vào kiểu vẽ, chủ đề, diện tích…

Trong các công đoạn, xử lý tường là quan trọng nhất vì nó quyết định chất lượng thành phẩm. “Sau khi phác thảo những nét chì thì người vẽ tiến hành lên màu. Để bức tranh đẹp và có chiều sâu thì các mảng màu sáng tối, sắc độ và hình khối phải chính xác và phù hợp nhất với không gian. Tranh 3D cần phải vẽ thêm những hình bóng để tạo cảm giác vật thể đó tách rời khỏi tranh. Cuối cùng là đi một lớp sơn bóng để giữ màu cho tranh”, anh Luân nói.

Loại tranh này hiện nay được thực hiện ở nhiều không gian khác nhau như: quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng, chùa…
 Loại tranh này hiện nay được thực hiện ở nhiều không gian khác nhau như: quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng, chùa…

Theo anh, tranh tường không chỉ đáp ứng nhu cầu làm đẹp cho không gian, nhu cầu tìm kiếm cái đẹp của nhiều bạn trẻ mà còn trở thành một nghề mang lại kinh tế cao cho người họa sĩ. Nghề này không giới hạn người tham gia… chỉ cần có năng khiếu và đam mê là thực hiện được. Đây là nghề được đánh giá có chi phí vào nghề thấp nhưng lại có thu nhập ổn định.

Anh Luân cho biết, “trung bình một người nghệ sĩ làm tự do thu nhập khoảng 20-25 triệu/ tháng, có khi lên đến 50 triệu/ tháng. Tháng ít nhất cũng kiếm được tầm 5-10 triệu. Còn nếu làm cho công ty thì thu nhập sẽ cố định khoảng 15-20 triệu”.

Khát vọng nâng đỡ người khuyết tật

Bên cạnh đó, theo anh Luân, giá tranh còn phụ thuộc vào thương hiệu, trình độ của họa sĩ, “gu” thẩm mỹ của khách hàng. “Nghề nào cũng có thăng trầm, tuy là có những dự án tiền thu nhập khá cao nhưng anh phải cần sự hỗ trợ nhiều người và tốn thêm nhiều thời gian. Thành phẩm được hay không là nằm ở mắt thẩm mỹ của khách hàng”, anh nhấn mạnh.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao, ngoài tranh 2D thông thường, những người họa sĩ còn cho ra đời những bức tranh 3D sống động, hình ảnh nhảy múa người thưởng thức được hòa mình khung cảnh. Đời sống xã hội là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật thăng hoa, cho nên đa phần chủ đề là khung cảnh thiên nhiên, khung cảnh đời sống, sinh hoạt của con người được tái hiện ở các quán cà phê, nhà hàng, trường học, đường phố.

Tranh không còn mục đích chỉ trang trí tại một không gian nhỏ hẹp còn mở rộng ra không gian đường phố, cầu, đường… Ngoài các công trình ở phạm vi cá nhân thì còn phát triển thành chương trình cộng đồng. Là nơi gặp rỡ, giao lưu kinh nghiệm, góp phần tô điểm thêm cho thành phố ngày càng phát triển.

Sau mỗi tác phẩm là niềm vui và sự tự hào của họa sĩ
 Sau mỗi tác phẩm là niềm vui và sự tự hào của họa sĩ

Nói về dự định sắp tới, anh Luân cho biết, sẽ học thêm ngành điêu khắc trên gỗ, trên xi-măng, trên đá để phát triển thêm năng lực vốn có của bản thân. Điêu khắc được xem là môn nghệ thuật “vàng son” một thời của nền mỹ thuật. Ước mơ lớn nhất của anh là mở lớp học hướng nghiệp cho người khuyết tật. Anh bộc bạch Anh luôn tâm niệm: “Người khuyết tật đã không được sinh ra trong may mắn, họ bị khiếm khuyết trên cơ thể cho nên để kiếm một cái nghề ổn định là vô cùng khó khăn. Anh muốn được chung tay giúp đỡ với cộng đồng, để làm điều gì đó có ích cho cuộc sống.”

Lớp học của anh dành cho tất cả các đối tượng có niềm đam mê và năng khiếu đặc biệt với hội họa. Thời gian học linh động, lớp học hỗ trợ hoàn toàn miễn phí từ người dạy, phòng học, trang thết bị cần thiết nhất cho nghề. Khi “hoa đã nở trên tay” thì sẽ được tham gia vào đội ngũ làm việc, được thỏa sức thể hiện đam mê ở các công trình và có nguồn thu nhập ổn định. Nơi anh làm thí điểm đầu tiên sẽ là vùng quê Quảng Bình - nơi anh sinh ra và có nhiều mảnh đời bất hạnh. Công tác chuẩn bị đang được tiến hành, đó sẽ là nấc thang đầu tiên trong hành trình đồng hành với xã hội. 

Đọc thêm