Thông tin mới nhất liên quan về vụ công dân khiếu nại vụ án hình sự xảy ra tại Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như Pháp luật Việt Nam đã thông tin, bà Nguyễn Ngọc Luyên (nguyên Đấu giá viên, Công ty Đấu giá hợp danh Đại dương Group) sửa chữa, thay ảnh mình trên bằng tú tài THPT của em trai và đứng tên trên Bằng cử nhân Luật giả đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khẳng định.
Bà Nguyễn Ngọc Luyên( mặc áo trắng đứng đầu tiên bên phải) đang mở phiếu đấu giá tại 1 buổi đấu giá quyền sử dụng đất tại khi dân cư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. (Nguồn ảnh daibieunhandan.vn)
Bà Nguyễn Ngọc Luyên( mặc áo trắng đứng đầu tiên bên phải) đang mở phiếu đấu giá tại 1 buổi đấu giá quyền sử dụng đất tại khi dân cư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. (Nguồn ảnh daibieunhandan.vn)

Bà Nguyễn Ngọc Luyên không có tên trong danh sách xét thi và công nhận tốt nghiệp năm 2014

Mới đây, ngày 15/12/2023, Trường Đại học Luật Hà Nội phát đi Công văn số 5594/ĐHLHN-ĐTDH trả lời cơ quan báo chí cho biết, sau khi kiểm tra, đối chiếu dữ liệu từ sổ gốc cấp văn bằng tốt nghiệp đại học luật hình thức đào tạo vừa làm vừa học hiện đang lưu giữ.

Theo đó, Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định: Trường Đại học Luật Hà Nội không tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học ngành luật hình thức đào tạo từ xa; Bà Nguyễn Ngọc Luyên sinh ngày 12/8/1978 không có tên trong danh sách thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp Khóa 10 trình độ đại học hình thức đào tạo vừa làm vừa học năm 2012 và không có tên trong danh sách xét thi và công nhận tốt nghiệp trình độ đại học hình thức đào tạo vừa làm vừa học năm 2014.

Như vậy, sau trả lời của Đại học Luật Hà Nội một lần nữa khẳng định việc bà Luyên đã sử dụng Bằng cử nhân Luật là giả. Do đó việc cơ quan chức năng cần xem xét lại kết luận cho rằng bằng gốc Đại học Luật Hà Nội cấp đã thất lạc.

Trụ sở Công ty đấu giá hợp danh Đại Dương Group

Trụ sở Công ty đấu giá hợp danh Đại Dương Group

Một điểm quan trọng nữa cần xem xét lại bởi theo Cơ quan CSĐT tỉnh Bắc Giang thì quá trình điều tra, bà Nguyễn Ngọc Luyên cho hay, có tham gia lớp Đại học Luật từ xa, khai giảng và học từ khoảng năm 2012 do một người phụ nữ tên Liên (không rõ địa chỉ) giới thiệu. Đến cuối năm 2014, bà Liên có đưa cho bà Luyên Bằng cử nhân Luật học, do Trường Đại học Luật Hà Nội cấp ngày 18/12/2014. Quá trình sử dụng, bà Luyên không biết đó là bằng giả. Hiện tại văn bằng gốc đã thất lạc…”. Nhưng Đại học Luật Nội lại cho biết, trường không tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học ngành luật hình thức đào tạo từ xa.

Trước đó, trong quá trình giải quyết đơn tố giác tội phạm, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện bà Luyên sử dụng Bằng cử nhân Luật do trường Đại học Luật Hà Nội cấp có dấu hiệu làm giả nên ngày 4/6/2020 đã ra Quyết khởi tố vụ án hình sự “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Nhưng sau đó, ngày 5/10/2020, Cơ quan CSĐT lại ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án nêu trên vì cho rằng “không làm rõ được đối tượng làm giả nên chưa có đủ căn cứ xác định bị can”.

Chưa tốt nghiệp phổ thông trung học, khai báo, cung cấp tài liệu không đúng

Không những thế, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã phát hiện, bà Luyên còn chưa học hết PTTH nên chưa có Bằng phổ thông trung học. Năm 2004, bà Luyên đã có hành vi thay ảnh của mình vào ảnh của em trai là Nguyễn Ngọc Luyến (SN 12/8/1978) trên Bằng phổ thông trung học do Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cấp ngày 01/12/1997.

Sau đó, bà Nguyễn Ngọc Luyên đã sử dụng bằng tú tài này để nộp hồ sơ đăng ký dự thi, thi tuyển và trúng tuyển Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương 1, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở tại Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang.

Dù đã xác định việc bà Luyên có dấu hiệu của tội “sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhưng Cơ quan CSĐT lại cho rằng, “không phải là hành vi sửa chữa Bằng tốt nghiệp để sử dụng thực hiện tội phạm” nên chỉ coi đây là vi phạm hành chính và không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà này.

Liên quan đến sự việc, ngày 2/12/2020, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã ban hành Quyết định số 1804/QĐ-ĐHSPHN2 theo đó thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp đại học đã cấp cho bà Nguyễn Ngọc Luyên, sinh ngày 12/8/1978, tốt nghiệp ngành Giáo dục Mầm non năm 2009, đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học; số hiệu bằng: 00026300, số vào sổ cấp văn bằng 10214, ngày ký văn bằng: 10/4/2010, người ký văn bằng: Nguyễn Văn Mã. Bởi lý do, bà Luyên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng.

Đáng nói, việc gian dối này không phải là lần đầu tiên bởi trước đó, bà Luyên đã có dấu hiệu khai báo, cung cấp tài liệu không đúng, không đầy đủ để được cấp lại giấy khai sinh, chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu nhằm chuyển tên từ Nguyễn Thị Luyên thành Nguyễn Ngọc Luyên và thay đổi ngày sinh từ 17/1/1976 thành 12/8/1978.

Luật sư Phạm Công Dự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 341 BLHS quy định rõ hai tội danh riêng biệt là “làm giả” và “sử dụng”. Cụ thể, Điều 341 BLHS nêu rõ: 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

“Như vậy, Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm sử dụng bằng giả được xem là có hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả”. Bộ luật Hình sự cũng quy định 2 tội danh riêng biệt là “làm giả” và “sử dụng”. Để xác định người sử dụng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì phải xem xét mục đích của hành vi, nếu mục đích đó "nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân” thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật hình sự”, Luật sư Dự cho biết./.

Đọc thêm