Theo thống kê của Cục Thuế Quảng Bình cho thấy, liên tiếp trong các tháng 7, tháng 8, tháng 9 năm 2021, số thu ngân sách trong một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị giảm sút.
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong thời gian này toàn tỉnh Quảng Bình liên tục xuất hiện nhiều ổ dịch, với tốc độ lây lan nhanh. Tất cả các huyện, thị thành phố trong toàn tỉnh đều xuất hiện các ca mắc mới, đặc biệt các địa phương như huyện Quảng Ninh, huyện Minh Hóa, huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, thành phố Đồng Hới xuất hiện ca mắc mới liên tục trong nhiều ngày.
Do đó, toàn tỉnh bắt buộc áp dụng Chỉ thị 16 trong nhiều đợt đối với các địa phương này. Việc áp dụng các Chỉ thị của Chính phủ trong phòng chống dịch đã làm sản xuất kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa và sinh hoạt của nhân dân bị ngừng trệ.
Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách trên địa bàn. Đặc biệt các khoản thu liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương, thu từ Doanh nghiệp nhà nước địa phương, thu từ Đầu tư nước ngoài, thu từ thuế Công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, thuế Thu nhập cá nhân, Lệ phí trước bạ, thu Tiền thuê đất...
|
Hội nghị trực tuyến đối thoại doanh nghiệp và tập huấn chính sách thuế mới năm 2021. |
Tuy nhiên đến tháng 10, ngành Thuế đã chủ động triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, nhờ thế chuổi hụt thu đã dừng lại, đặc biệt một số khoản thu có dấu hiệu tăng đột biến so với tháng 9 như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương tháng 9 thu 13,59 tỷ đồng, đến tháng 10 thu 30,6 tỷ đồng; Thu từ đầu tư nước ngoài tháng 9 được 7,2 tỷ đồng đến tháng 10 lên 11,3 tỷ đồng; Thu từ công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh tháng 9 được 28,8 tỷ đồng, đến tháng 10 lên 79,8 tỷ đồng; Thuế thu nhập cá nhân tháng 9 thu được 6,4 tỷ đồng, đến tháng 10 lên 10,7 tỷ đồng; Lệ phí trước bạ tháng 9 thu được 11,8 tỷ đồng, đến tháng 10 tăng lên 24,8 tỷ đồng.
Về tổng thể số thu trừ đất, dự kiến trong tháng 10 thu tối đa 195 tỷ nhưng thực tế đã thu 246 tỷ, vượt 52 tỷ, tăng 26,6%.
Trong đó, một số doanh nghiệp điển hình có số thu tăng cao trong tháng 10 như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước có Công ty điện lực Quảng Bình 3,6 tỷ đồng; Công ty đường sắt Quảng Bình 4,8 tỷ đồng; Viễn thông Quảng Bình 2,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần 483 nộp 4 tỷ; Công ty cổ phần 494 nộp 2,8 tỷ...
Khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có 1 số đơn vị nộp tăng cao như Công ty xi măng sông Gianh 8,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần dược Quảng Bình 2,7 tỷ đồng; Công ty bê tông Phan Vũ 1,9 tỷ đồng; Chi nhánh thế giới di động 1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lâm sản xuất khẩu Quảng Đông 2,4 tỷ đồng; Tập đoàn Sơn Hải 2,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần FECON- nhà thầu BT 7,5 tỷ đồng; Công ty Công nghệ Việt - nhà thầu BT 5,8 tỷ đồng...
Nguyên nhân chính làm cho số thu tháng 10 tăng cao là nhờ trước đó tỉnh Quảng Bình đã chủ động, linh hoạt trong các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch có hiệu quả. Đặc biệt là từng bước cho phép khôi phục lại sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ, đặc biệt tiếp tục triển khai các dự án trên địa bàn. Các hoạt động dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận tải, hoạt động thương mại, cung ứng hàng hóa trên địa bàn đã hoạt động lại bình thường.
Sau một thời gian dài thực hiện các Chỉ thị của Chính phủ về phòng chống dịch, các hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa bị ngừng trệ, nhu cầu sử dụng, tiêu dùng hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu tích tụ lại, đến nay đã bùng ra và vì thế kích thích tăng trưởng kinh tế cao hơn bình thường. Đó cũng chính là nguyên nhân tạo ra các khoản doanh thu đột biến vào thời điểm mở cửa. Nhờ thế, thu ngân sách một số lĩnh vực liên quan đến sản xuất kinh doanh tăng cao.
Cụ thể trong tháng 10, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện được 295 tỷ đồng, nếu trừ tiền sử dụng đất thì thu được 195 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng thu được 4.650,1 tỷ đồng, đạt 111,3% dự toán Trung ương, đạt 94,4% dự toán tỉnh và tăng 13,8% so với cùng kỳ. Nếu trừ thu tiền sử dụng đất thì 10 tháng thu được 2.041,4 tỷ đồng đạt 85,8% dự toán Trung ương và 84,1% dự toán tỉnh, bằng 91,6% so với cùng kỳ.
|
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục thuế tỉnh Quảng Bình thì 2 tháng còn lại năm 2021 sẽ không còn sự đột biến về thu ngân sách như tháng 10 do không còn nhiều dư địa của sự đột biến về doanh thu. Chính vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách đối với các khoản thu (trừ các khoản thu từ đất) còn đạt thấp, ngành thuế phải tiếp tục nổ lực thực hiện các giải pháp chống thất thu và thu hồi nợ thuế.
“Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT), ngành Thuế luôn chia sẻ khó khăn cùng DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân; đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho NNT, động viên NNT thực hiện tốt nghĩa vụ ngân sách Nhà nước. Để bảo đảm công bằng cho người dân khi thực hiện nghĩa vụ ngân sách. Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ”, ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Bình chia sẻ thêm.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn, tuy nhiên số thu ngân sách tháng 10 đã tăng trở lại sau một thời gian trầm lắng là một tín hiệu tốt báo hiệu sự phục hồi kinh tế của tỉnh Quảng Bình, cũng là động lực để ngành Thuế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu và điều hành sát với thực tế, bảo đảm thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 và hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021.