Căn nhà không ai dám thuê
“Chúng tôi bị mắc kẹt vào một đêm Chủ nhật, bên ngoài căn hộ ở khu Cửu Long chúng tôi vừa mới chuyển đến. Chìa khóa cửa ra vào bị vỡ trong ổ khóa. Chủ nhà đem dụng cụ đến nhưng không thể phá được chốt cửa loại nặng.
Anh gọi người bạn mang tới những dụng cụ lớn hơn. Họ vật lộn với ổ khóa, đập mạnh đến nỗi những người hàng xóm bước ra coi chuyện gì đang xảy ra. Cuối cùng, nó cũng bung ra.
Ngày hôm sau, chúng tôi lắp một ổ khóa mới. Để kiểm tra chìa khóa, tôi đi ra ngoài và “chồng” tôi khóa cửa từ bên trong. Tôi nhét chìa khóa vào và nó bị kẹt trong ổ khóa, không thể nhúc nhích. Tôi không thể mở cửa từ bên ngoài và “chồng” tôi cũng không thể mở từ bên trong.
Tôi đi vòng ra cửa sau nhà, leo tám bậc thang và bước vào căn hộ qua nhà bếp. Khi vào trong, tôi đã thử vặn tay nắm cửa và mở nó ra dễ dàng. Chúng tôi lại thay khóa một lần nữa.
Chúng tôi tặc lưỡi cho qua những gì xảy ra. Chúng tôi đã thuê căn hộ mà chủ cũ tự tử bằng cách nhảy từ cửa sổ. Ở Hong Kong, những căn hộ như vậy rất đáng lo ngại. Không rõ liệu có phải chúng bị “ma ám” hay không?
Văn phòng bất động sản trong khu phố này đã giới thiệu cho người thuê nhà một danh sách căn hộ lớn ở Prince Edward với giá rẻ. Khi được hỏi, người môi giới ngay lập tức tiết lộ rằng giá thuê thấp hơn so với thị trường là do có một "cái chết bất thường" trong căn hộ - giết người hoặc tự tử. Luật pháp Hong Kong yêu cầu các nhà môi giới bất động sản phải tiết lộ thông tin này.
Trong số các đồng nghiệp của “chồng” tôi, những người Hong Kong cảm thấy kinh ngạc khi chúng tôi định thuê căn hộ như vậy. Chúng tôi thật sự suy nghĩ nghiêm túc về việc thuê nó nên đã qua lại nhiều lần trước khi đặt bút ký vào hợp đồng.
Chúng tôi thậm chí còn thử xem có điều gì bất thường không. Rất ổn, mọi thứ gần như tốt đẹp và vị trí hoàn hảo. Chúng tôi không nhận thấy điều gì khác thường. Những nơi khác chúng tôi xem bị thuê mất trong vài ngày, còn nơi này thì đã bỏ trống trong vài tháng.
"Dường như nó ở đấy để chờ chúng ta đến ở", tôi nói với “chồng”. Ở New York, chúng tôi đã sống ở những nơi cũ hơn nhiều. "Ai biết được có ai đã chết ở đấy trong bao nhiêu năm", tôi tự trấn an lựa chọn của mình.
|
Bên trong căn hộ. |
Không ai trong chúng tôi hút thuốc lá, nhưng mùi thuốc lá thường xuyên xuất hiện trong căn hộ. Nó bốc lên nồng nặc dưới cửa ở chỗ ra vào. Điều này xảy ra vào nửa đêm và các căn hộ bên trên hay bên dưới đều không bị như vậy.
Lúc đầu chúng tôi cho rằng đó là do một thiếu niên hay người giúp việc lén hút thuốc ở căn hộ cùng tầng đối diện với chúng tôi. Chúng tôi ấn chuông và gõ cửa nhưng không có ai ở nhà, ghé tai vào cũng không thấy có động tĩnh gì. Rất khó hiểu nếu có người nào đó hút thuốc nhiều lần mà không bị phát hiện.
Điều kỳ lạ này lặp lại thường xuyên, đôi khi là hàng ngày, đến nỗi tôi bắt đầu đánh dấu nó trên lịch.
Trong hơn hai năm sống ở đây chúng tôi còn chứng kiến nhiều việc kỳ lạ như giá sách bị đổ vào giữa đêm, trượt chân trong phòng tắm và đập đầu xuống đất, nước ngấm vào tường phòng ngủ vì hàng xóm sửa chữa căn hộ, nhưng tất cả đều có thể lý giải.
Mọi người từ chối đến thăm nhà của chúng tôi. Tôi mời một người bạn là nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia ở New York đến vì anh ấy có kinh nghiệm sống với "hiện tượng siêu nhiên" khi theo học tại đây. Có thể anh ấy có cảm giác về điều gì đó. Tuy nhiên, anh ấy đã suy nghĩ lại và quyết định không đến nữa.
Việc có người chết bất thường sẽ làm giảm giá căn hộ. Thời gian nhận nhà ở xã hội ở Hong Kong trung bình hơn 5 năm sẽ được rút ngắn nếu người nộp đơn chấp nhận lấy một căn hộ trong danh sách "trường hợp đặc biệt". Chẳng hạn như trong đó đã xảy ra vụ tự tử, giết người hoặc tai nạn dẫn đến tử vong.
Những người thuê nhà ham rẻ có thể chấp nhận ở trong một "ngôi nhà ma ám" để trả giá thấp hơn 30% so với thị trường.
Giải pháp “hóa giải” nỗi sợ
“Chồng” tôi là người Đài Loan nhưng dành phần lớn cuộc đời ở Mỹ, còn tôi không phải người Hong Kong nên sẽ là phù hợp nếu chúng tôi sống trong một căn hộ “ma ám”. Nếu sống lâu mà vẫn cảm thấy thoải mái, tôi không nghĩ rằng cần phải chuyển đi.
Theo lời khuyên của một người bản địa, chúng tôi nhờ một “thầy” phong thủy đến xem nhà. Vào một buổi chiều muộn, “thầy” phong thủy William Chiu Chun-hung đến xem nhà chúng tôi. Ông hỏi ngày sinh theo âm lịch để xem tử vi cho chúng tôi, từ chiêm tinh, bói toán đến phong thủy, tất cả mọi tương tác lên chúng tôi.
Ông Chiu khám phá căn hộ của chúng tôi, theo sau ông là một học trò, nhiếp ảnh gia, và “chồng” tôi. Ông kiểm tra các bức tường và trần nhà, có quá nhiều dầm và giường của chúng tôi nằm dưới một cái. Rồi ông mở cửa sổ và lắng nghe tiếng xe cộ ồn ào. Ông đo khoảng cách và đếm bóng đèn trong đèn chùm.
|
Cánh cửa phải thay khóa nhiều lần. |
Cuối cùng, Chiu giải thích rằng phong thủy của căn hộ không tốt cho chúng tôi. Cả hai ngày sinh của chúng tôi đều bị ảnh hưởng bởi nước và chúng tôi sống trên con phố đông đúc, có lưu lượng giao thông qua lại nhiều.
"Giao thông như dòng nước chảy và vì những chiếc xe rất nhanh, nên nó giống như nước chảy xiết và có ảnh hưởng xấu. Tiếng ồn nghe rất “chết chóc”", ông nói.
“Thầy” phong thủy cho chúng tôi biết phía trước tòa nhà của chúng tôi từng có những ngọn đồi. Theo phong thủy, núi là điềm tốt lành và nếu không còn nữa, kết hợp với luồng giao thông như vậy có thể làm tổn hại đến sức khỏe.
Nghe theo ông Chiu, chúng tôi có một vài thay đổi: Đóng các cửa sổ phía trước để hạn chế tiếng ồn của xe cộ, bật đèn chùm thường xuyên hơn và sử dụng nhà bếp nhiều hơn.
Lý giải chuyện ổ khóa cửa ra vào, ông Chiu cho rằng “hồn ma” vẫn còn ở đây, và nó sẽ tiếp tục làm hại sức khỏe của chúng tôi. Tóm lại, vì phong thủy xấu nên ông Chiu khuyên chúng tôi nên rời khỏi căn hộ. Nếu chúng tôi chọn ở lại thì cần chuyển sang phòng ngủ chính lớn hơn để “giải quyết chuyện ma quỷ”. Từ đầu chúng tôi chọn phòng ngủ nhỏ hơn phía sau vì nó yên tĩnh hơn. Ông Chiu giải thích rằng đây là một cách để lấy lại không gian, biến nó thành của chúng tôi.
Sau đó một số người bạn đến thăm nhà chúng tôi và không cảm thấy điều gì bất ổn. "Tôi không nghĩ ở đây có vấn đề", một người bạn nói, thậm chí bắt đầu thích nơi này và ngỏ ý xin phép chúng tôi cho quay vài cảnh trong dự án phim sắp tới ở đây.
Khói thuốc lá sau khoảng một năm chúng tôi chuyển đến đã giảm đáng kể. Chúng tôi cũng mới gia hạn hợp đồng thuê nhà thêm hai năm nữa. Chúng tôi hiếm khi khóa cửa chính”.
Lucia Liu Huwy-min, trợ lý giáo sư nhân chủng học tại Đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong, đặt câu hỏi: "Điều gì khiến mọi người tin vào mê tín thay vì tôn giáo?". Cô cho rằng tin vào “ma quỷ” hay “vong hồn” cũng là một loại tín ngưỡng như Kitô giáo hoặc Phật giáo. "Không cần có nhà thờ, nó là một phạm trù niềm tin rằng năng lực siêu nhiên tồn tại song hành cùng thế giới vật chất của con người”.
Cô Liu nhắc đến tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên, đi chùa, đền dâng hương cúng bái của người Trung Quốc và coi đây là sự sùng bái phổ biến. Theo cô đó là một tập tục đúng hơn là niềm tin. "Bạn không nhất thiết phải tin tất cả những điều này, nhưng bạn cần phải đi đến đền chùa để dâng hương. Làm mọi việc đúng cách quan trọng hơn niềm tin".
"Việc tôn thờ tổ tiên của người Trung Quốc cho thấy họ coi vong hồn là tổ tiên của mình. Những người không có con cháu thờ phụng về cơ bản là ma", cô giải thích.
Các nền văn hóa khác nhau có cách lý giải các hiện tượng khó hiểu theo cách khác nhau. Chẳng hạn như ở Hong Kong, những hiện tượng như vậy có thể do “ma quỷ” trong khi nhiều nơi ở châu Phi lại đổ lỗi cho phù thủy, hoặc các tín đồ Kitô có thể coi là Chúa đang thử thách họ. Theo Liu, vấn đề nằm ở cách nhìn nhận của mỗi người.