Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Từ khóa” chủ đạo của du lịch Việt Nam sẽ là: “Hòa bình”, “xanh hóa”, “số hóa” và “kết nối thân thiện”

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Tối 26/3, tại T P. Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch tổ chức Lễ khai mạc Năm du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch Xanh”. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về mở cửa du lịch toàn diện, phục hồi và phát triển kinh tế sau 2 năm đầy khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo khai mạc Năm du lịch Quốc gia năm 2022 với chủ đề Quảng Nam- Điểm đến du lịch Xanh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo khai mạc Năm du lịch Quốc gia năm 2022 với chủ đề Quảng Nam- Điểm đến du lịch Xanh

Du lịch sau đại dịch phải “biến nguy thành cơ”!

Theo Thủ tướng Chính phủ, du lịch không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hoà bình.

Trong hơn 2 năm qua, dù gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh, ngành Du lịch và Nhân dân vẫn không ngừng nỗ lực thích ứng bằng những cách làm sáng tạo như đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, ứng dụng du lịch thực tế ảo…. Đại dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu nguồn nhân lực, sửa chữa, nâng cấp, làm mới các cơ sở đón khách, tăng thêm sức hấp dẫn và hiệu quả hơn.

Trên cơ sở kết quả phòng chống dịch, tham khảo ý kiến chuyên gia và sau khi được các cấp có thẩm quyền thảo luận, thống nhất, Việt Nam chính thức mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 với tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Tuy nhiên, điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới cần có tư duy và cách làm mới để “biến nguy thành “cơ”. Ngành du lịch càng phát triển càng minh chứng rõ nét cho đường lối đối ngoại và đường lối xây dựng, phát triển đất nước nói trên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu cho hoạt động mở cửa du lịch trở lại của chúng ta"

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu cho hoạt động mở cửa du lịch trở lại của chúng ta"

Quảng Nam, vùng đất nhiều tiềm năng phát triển du lịch... được Thủ tướng Chính phủ tự hào chia sẻ

Quảng Nam, vùng đất nhiều tiềm năng phát triển du lịch... được Thủ tướng Chính phủ tự hào chia sẻ

“Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu cho hoạt động mở cửa du lịch trở lại của chúng ta và là sự kiện trọng tâm của Chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2022. Cùng với Lễ Khai mạc hôm nay, chúng ta kỳ vọng chuỗi các sự kiện du lịch xuyên suốt cả năm sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành Du lịch tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Qua đó góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp và con người Việt Nam hiền hòa, mến khách đến với bạn bè Quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng tự hào nhìn nhận, Quảng Nam, vùng đất tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và hướng ra biển Đông rộng mở. Nơi đây hội tụ và giao thoa nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử đến từ các nền văn minh, văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Chăm Pa, Sa Huỳnh; quê hương của các danh nhân như Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…; vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng. Quảng Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là “Du lịch xanh”, “Du lịch di sản” với sức hấp dẫn vô cùng to lớn từ Di sản văn hóa thế giới (Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn), Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (nghệ thuật Bài chòi); Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Cùng với đó là hệ thống các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, hệ động thực vật phong phú… và những nét đặc trưng riêng biệt về ẩm thực vô cùng đặc sắc.

Chính vì vậy, qua 19 kỳ tổ chức, Quảng Nam đã hai lần được chọn làm nơi đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia (2006 và 2022).

Bảy yêu cầu đối với ngành du lịch Việt Nam

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nhận định, phát triển du lịch trong thời gian tới, dự báo có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và những bất ổn trên thế giới.

Chính vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam và các địa phương cả nước cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động phối hợp thực hiện thật tốt.

Cụ thể, đầu tiên phải tiếp tục nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc - một nhiệm vụ rất quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo và nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Với những thách thức thời gian tới, tại lễ Khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đưa ra 7 yêu cầu đối với Ngành Du lịch Việt Nam

Với những thách thức thời gian tới, tại lễ Khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đưa ra 7 yêu cầu đối với Ngành Du lịch Việt Nam

“Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Chúng ta cần xây dựng những thương hiệu du lịch lớn mang tầm Quốc tế với bản sắc Việt Nam, gắn với mảnh đất thiêng liêng mà anh dũng, gắn với bản sắc văn hóa đặc sắc và con người Việt Nam thân thiện, đôn hậu”, Thủ tướng yêu cầu.

Tiếp thứ 2, tập trung xây dựng môi trường du lịch "xanh" đúng như chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022. Thủ tướng nêu, đây là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; là sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường. Điều này cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đó là đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thứ ba, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch.

Bốn là, cần chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bối cảnh mới, cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch để tập trung quảng bá, xúc tiến các thị trường tiềm năng và làm mới các sản phẩm du lịch để phù hợp xu hướng của thế giới hậu COVID-19.

Năm là, thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững. Tăng cường thu hút đầu tư; khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, an toàn du lịch. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Qua đó góp phần để bạn bè quốc tế cảm nhận được truyền thống yêu chuộng hòa bình, thân thiện và mến khách của dân tộc ta. Phấn đấu để có thêm nhiều hơn nữa du khách đến du lịch, trải nghiệm, kinh doanh và làm ăn lâu dài ở Việt Nam; những khách đã đi rồi sẽ quay trở lại nhiều hơn.

Sáu là, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Quảng Nam và các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động phát triển du lịch, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần giảm nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới cho cả vùng. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động du lịch, doanh nghiệp du lịch.

Bảy là, cần truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau. Đặc biệt giới thiệu những địa danh nổi tiếng, những nét đặc trưng riêng có của thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng giới thiệu văn hóa phi vật thể. Đồng thời, chúng ta cần mở rộng dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao tính cạnh tranh để Việt Nam trở thành điểm đến, điểm quay trở lại hấp dẫn.

Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam đã xác định chủ đề của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Cùng với chủ đề chung này, những “từ khóa” chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới sẽ là: “Hòa bình”, “xanh hóa”, “số hóa” và “kết nối thân thiện”.

Đọc thêm