Chiều nay, 26/6, phát biểu khai mạc Phiên họp đặc biệt của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Tăng cường quyền năng phụ nữ trong thời đại số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta cần hành động để giải phóng tiềm năng to lớn của phụ nữ, tạo điều kiện để họ phát huy được các thế mạnh, đóng góp tích cực cho các tiến trình phát triển của mỗi quốc gia và Cộng đồng ASEAN…
Phiên họp đặc biệt hôm nay được kỳ vọng sẽ gợi mở những định hướng quan trọng để phụ nữ ASEAN có thể đóng góp sâu rộng, hiệu quả hơn nữa cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như tham gia tích cực vào các nỗ lực bảo đảm hoà bình, an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm trên bình diện toàn cầu.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các nước ASEAN luôn tự hào về những tấm gương phụ nữ đã dũng cảm, hy sinh cống hiến cho hòa bình, độc lập và nỗ lực to lớn cho xây dựng đất nước phồn vinh.
Với những đặc thù và thế mạnh riêng, phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chung của nhân loại ứng phó với các thách thức đe doạ ổn định và phát triển của các quốc gia, từ xung đột vũ trang, bạo lực cực đoan, đến biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội... và những ngày qua, là sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, vẫn còn đó bất bình đẳng, phân biệt đối xử làm kìm hãm động lực phát triển và khả năng đóng góp của phụ nữ đối với cộng đồng.
Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta cần hành động để giải phóng tiềm năng to lớn của phụ nữ, tạo điều kiện để họ phát huy được các thế mạnh, đóng góp tích cực cho các tiến trình phát triển của mỗi quốc gia và Cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay”.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mở ra nhiều cơ hội to lớn cho nhân loại và trao cho phụ nữ nhiều quyền năng to lớn, giúp phụ nữ giải phóng được tiềm năng tuyệt vời của mình để vượt qua các rào cản và thách thức hiện tại và tạo ra sự thay đổi cần thiết cho tương lai. Nhưng cũng mang đến nhiều thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ.
Thủ tướng cho biết, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam ưu tiên thực hiện đồng bộ các cam kết, chương trình, kế hoạch tổng thể, gắn kết các cơ chế về phụ nữ, thiết thực hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Do đó, tại Phiên họp quan trọng hôm nay, các đại biểu cùng chia sẻ và trao đổi ý kiến về các phương hướng nhằm thúc đẩy và đề cao hơn nữa vai trò, đóng góp của phụ nữ trước những chuyển đổi sâu sắc, mạnh mẽ của thời đại số, trong đó có một số trọng tâm.
Đó là tạo điều kiện để phụ nữ tham gia một cách sáng tạo, đổi mới trong tất cả các tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trên cả 3 trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội.
Thúc đẩy phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững, khuyến khích phụ nữ tham gia đầy đủ trong hoạch định các chương trình, chính sách về hòa bình, an ninh, phát triển cấp quốc gia và khu vực, đóng góp thúc đẩy hợp tác đa phương, đề cao thượng tôn pháp luật và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy năng lực sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và kinh doanh, thích ứng với những yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế số.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, phụ nữ chỉ chiếm 2% trong số các nhà đàm phán, hòa giải, song lại là nhân tố không thể thiếu trong các tiến trình hợp tác, giúp kiến tạo nền hòa bình và an ninh bền vững hơn. Tỉ lệ phụ nữ hiện đảm nhận cương vị lãnh đạo, quản lý chiếm 40% ở quy mô toàn thế giới và 46% trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ đại biểu Quốc hội đạt 26,7%, cao hơn bình quân châu Á (19,9%) và bình quân toàn thế giới và lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ.
Theo một nghiên cứu khác, việc thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể đóng góp 4,5 nghìn tỷ USD vào tổng GDP của khu vực vào năm 2025.