Từ một căn nhà 77 mét vuông, cũ kĩ, xuống cấp với rêu xanh bám tường. Với hi vọng đem sách đến với những người không có điều kiện, Bình cùng cộng tác viên đã kêu gọi giúp đỡ từ cộng đồng. Những cuốn sách được gửi về từ khắp các tỉnh thành ngày một nhiều. Những chiếc bàn, chiếc ghế hay cái tủ sách được ủng hộ bởi các nhà hảo tâm. Từ một chút đó, thư viện cộng đồng được tạo nên, ngày một phát triển với cơ sở hai tại ngõ Viện máy (Cầu Giấy, Hà Nội).
“Họ gọi mình là đứa dở hơi…”
Tôi gặp Bình vào một ngày đầu hè, đường chiều vắng bóng nắng nhưng vẫn oi ả. Trong khoảng sân nhỏ trước cửa thư viện, Bình cặm cụi xới đất, trồng nốt mấy cây sen đá để kịp giao hàng cho khách kiếm thêm tiền duy trì thư viện. Trò chuyện với Bình mới thấm được những khó khăn anh đã trải qua để xây dựng nên thư viện miễn phí này. Kí ức về những ngày đầu mới mở thư viện dần hiện lên, rõ ràng. Trong hồi ức ấy, có bóng dáng những giọt mồ hôi và niềm tin đem tri thức đến cộng đồng.
“Tao tưởng mày thuê nhà làm cửa hàng cây chứ lại làm thư viện thì tiền mày lấy đâu ra. 4,5 triệu một tháng đó!. Thằng này ấm ớ”. Đó là lời một người bán bún đậu già trên phố Lê Thanh Nghị, người đã sống hơn 20 năm trên con phố này, từng chứng kiến sự thành bại của dân tứ xứ đến đây làm ăn nói với Bình. Bà từng khuyên Bình từ bỏ ý định làm thư viện miễn phí đi vì bà bảo “có những thứ mày chẳng thể nhìn rõ thì bà nhìn tường tận đến kinh ngạc nhé!”
- Vậy mọi người xung quanh nghĩ thế nào khi biết bạn mở thư viện miễn phí?
- Nhiều người từng hỏi mình: “Mày có bị làm sao không?”, “Mày được người ta trả lương cho à?”,… Mình im lặng không đáp. Vì với mình, nếu bạn cho đi thứ mình có thì bạn sẽ được đền bù xứng đáng.
Hoàng Quý Bình – chàng sinh viên “dở hơi” với hi vọng mang tri thức đến cộng đồng |
Thư viện mượn sách 3 không
Với thủ tục mượn sách đơn giản, bạn đọc đến thư viện, tìm kiếm những cuốn sách phù hợp, để lại số điện thoại cá nhân và hẹn lịch trả là có thể mang sách về đọc. Không đặt cọc, không phải trả tiền vì tất cả được trao, trả bằng sự tin tưởng mà những người yêu đọc sách dành cho nhau. Thư viện mở cửa đón khách từ 8 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Mỗi ngày trung bình có từ 15 đến 20 bạn tới mượn và trả sách.
Thư viện hiện có hơn 1.000 cuốn sách, đa dạng về thể loại được Bình sưu tầm từ khoản tiền dạy thêm và việc bán sen đá cũng như từ sự quyên góp của nhiều bạn đọc khác.
Chia sẻ về nguyên nhân thành lập thư viện, Bình nói: “Với mình, sách nằm im là sách chết nên mình muốn chia sẻ những cuốn sách của mình với mọi người. Những cuốn sách chỉ là những tập giấy lộn nếu ta không sử dụng chúng một cách hiệu quả. Vì vậy để sách đến tay nhiều người mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn. Thư viện hoạt động với hình thức đặt cọc niềm tin vì với mình niềm tin có giá trị vô cùng quan trọng.”
Phùng Thanh Tùng (sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội) một độc giả quen thuộc của thư viện cho biết: “Mình thường đến đây những lúc rảnh rỗi, mỗi lần đến đây mình cảm thấy rất thoải mái. Hy vọng các bạn độc giả có dịp đến tham quan, nhất định các bạn sẽ thấy thích.”
Vũ Trung Kiên (sinh viên Đại học Xây Dựng), hào hứng giới thiệu: “Không gian ở đây rất nhỏ thôi, không được to như các thư viện khác nhưng không khí thực sự rất ấm cúng, thân thuộc. Hơn nữa, môi trường tại đây cũng kích thích mình đọc hơn những nơi khác.”
Thư viện là điểm đến lí tưởng cho những người yêu thích sách |
“Mình biết sẽ mệt, sẽ tuyệt vọng nhưng mình vẫn sẽ đi và hi vọng…”
Qua hai năm hoạt động, với tâm niệm sách nằm im là sách chết, thư viện nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc với hơn 10.000 lượt theo dõi trên trang Facebook. Thư viện nhận được ngày càng nhiều sự ủng hộ của các nhà hảo tâm từ các tỉnh, thành phố khác nhau. Đây không chỉ là không gian đọc sách mà đã trở thành nơi kết nối, chia sẻ và tổ chức các lớp kỹ năng, ngoại ngữ, nghệ thuật,... dành cho tất cả mọi người. Đó là các lớp học ngoại ngữ miễn phí được thư viện tổ chức đều đặn vào các ngày trong tuần.
Chia sẻ thêm về những khó khăn của thư viện, Bình bày tỏ: “Thư viện hiện gặp khó khăn về vấn đề kinh phí, trước mắt mình mới nghĩ đến việc bán cây. Còn về lâu dài; mình sẽ kêu gọi các anh, chị đi làm hoặc các nhà hảo tâm có thể quyên góp cho thư viện hàng tháng để duy trì hoạt động thư viện.”
Với khoản tiền thuê nhà 1 tháng là 4,5 triệu và phải đóng 3 tháng một lần thì đó là một thử thách lớn với Bình để có thể duy trì hoạt động của thư viện. Tuy còn là một sinh viên nhưng ngoài thời gian học; ban ngày Bình đi bán cây, tối gia sư.
Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ Bình điên, một số động viên khích lệ nhưng Bình chia sẻ: “Thực sự những lúc khó khăn, mình cần thứ giá trị hữu hình, sức người sức của chứ không phải là vài lời nói. Vì mình đủ “điên” để quyết định làm việc này thì tâm mình đã phải chuẩn bị từ lúc kí hợp đồng thuê nhà. Mình biết sẽ mệt, sẽ tuyệt vọng nhưng mình vẫn sẽ đi và hi vọng…”
Mặc dù cơ sở vật chất cũng như kinh phí duy trì thư viện còn nhiều thiếu thốn nhưng Dfree Book đã mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn về việc lan tỏa tình yêu sách cũng như văn hóa đọc sách trong cộng đồng.