Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” (hiện do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế - Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý) được chúa Nguyễn Phúc Chu dựng ở chùa Thiên Mụ từ năm 1715 và tồn tại ở vị trí nguyên gốc từ đó cho đến tận ngày nay. Đây là một tác phẩm điêu khắc đá đặc sắc của Việt Nam vào đầu thế kỷ XVIII. Hình thức trang trí và kỹ thuật chạm khắc trên bia phản ánh sự kế thừa từ mỹ thuật thời Lê - Trịnh, đồng thời có những nét riêng của phong cách bia thời Nguyễn với những đặc trưng mang giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử.
Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” có nhiều giá trị về chính trị tư tưởng, lịch sử và văn hóa thời các chúa Nguyễn, đánh dấu một giai đoạn lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển thịnh vượng ở Đàng Trong liên quan trực tiếp đến chúa Nguyễn Phúc Chu - vị chúa Nguyễn có nhiều công lao trong sự nghiệp mở mang phát triển đất nước vào đầu thế kỷ XVII.
Bộ chóp tháp Champa Linh Thái |
Trong khi đó, Bộ chóp tháp Champa Linh Thái (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế) là hiện vật gốc độc bản, là tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử. Chóp tháp được chế tác theo biểu tượng búp sen cách điệu trên một bệ vuông có kỹ thuật cao mà không gặp ở bất kỳ hiện vật nào được biết cho đến nay trong văn hóa Champa.
Bệ chóp tháp được cách điệu với tám cánh sen đang nở, tám cánh sen chia đều hướng về tám hướng.Chóp tháp và Bệ tháp Champa Linh Thái có những nét riêng biệt, hiếm gặp trong lịch sử kiến trúc đền tháp Champa ở nước ta.