Thừa Thiên - Huế huy động toàn lực khắc phục thiệt hại do bão số 5

(PLVN) - Hôm nay, Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đi kiểm tra, động viên nhiều nơi bị thiệt hại do bão số 5 và yêu cầu các địa phương huy động sức dân cùng lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục thiệt hại, sớm đưa các hoạt động trở lại bình thường.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra trường học ở huyện Phú Vang
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra trường học ở huyện Phú Vang

Hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa bị tốc mái

Theo tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tính đến 16h hôm nay, 19/9, toàn tỉnh có 21.283 nhà bị tốc mái. Các địa phương đã khắc phục hoàn thành 14.380 nhà. Toàn tỉnh còn 6.903 nhà đang tiếp tục được sửa chữa, khắc phục (TP. Huế 522 nhà, thị xã Hương Thủy 146 nhà, thị xã Hương Trà 3116 nhà, huyện Phú Lộc 29 nhà, huyện Phú Vang 1.417 nhà, huyện Quảng Điền 583 nhà).

Trong hôm nay, ông Nguyễn Văn Phương, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) đã có buổi đi kiểm tra tình hình diện tích cây cao su bị gãy đổ do bão số 5 gây ra tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền.

Xã Phuong Mỹ có 700 ha cây cao su bị gãy đôr
Xã Phuong Mỹ có 700 ha cây cao su bị gãy đôr 

Đây là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng do bão số 5 gây ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Thống kê ban đầu cho thấy, ở xã Phong Mỹ có gần 700 ha cao su và nhiều diện tích cây keo bị gãy đổ, hư hại; hàng trăm nhà dân bị tốc mái, bị ảnh hưởng gây hậu quả lớn cho người dân.

Ông Nguyễn Xuân Dũng (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) cho biết: “Trong thời gian vừa qua, tôi đã trồng được 2.400 cây cao su. Tuy nhiên, cơn bão số 5 đã làm gãy đổ 75% diện tích cao su, gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của gia đình. Đồng thời mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ để sớm khôi phục lại diện tích cây cao su, ổn định sinh kế”.

Qua thị sát, nắm bắt tình hình tại địa phương, ông Nguyễn Văn Phương yêu cầu chính quyền địa phương các cấp tiến hành nghiên cứu các phương án hỗ trợ, tìm kiếm nguồn tiêu thụ, thu hoạch diện tích cây cao su bị gãy đổ để giải quyết những khó khăn trước mắt cho người dân. Đồng thời tiến hành thống kê chi tiết các diện tích bị gãy đổ, thiệt hại để có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân trong giai đoạn khó khăn này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa bị tốc mái, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân. Khôi phục lại hệ thống biển báo bị hư hỏng, dọn dẹp cây xanh, rác thải trên các tuyến đường giao thông. Giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau khi bão số 5 đi qua.

Điện lực Thừa Thiên - Huế toàn lực khắc phục sự cố điện (Ảnh chụp đêm 19/9)
Điện lực Thừa Thiên - Huế toàn lực khắc phục sự cố điện (Ảnh chụp đêm 19/9) 

Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đi kiểm tra tình trạng trường học bị tốc mái, cây gãy đổ tại trường THCS Nguyễn Khoa Đăng (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà). Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo thị xã huy động lực lượng, khắc phục các điểm hư hại, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến lớp trong thời gian tới.

Thống kê thiệt hại, sớm có phương án hỗ trợ

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đi kiểm tra tình hình thiệt hại và động viên các lực lượng đang tham gia khắc phục thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra. Ông yêu cầu các địa phương tập trung người và phương tiện, huy động sức dân cùng các lực lượng khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão, sớm đưa các hoạt động trở lại bình thường.

Kiểm tra tại huyện Phú Vang, lãnh đạo UBND huyện Phú Vang cho biết, trên địa bàn có 15 người bị thương, trong đó bị thương nặng phải đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện và Bệnh viện Trung ương Huế 9 người; 1 nhà bị sập; 1.762 nhà bị tốc mái; 40 chiếc thuyền bị chìm, vỡ; 71 cột điện bị đổ ngã; có 10 trường học bị lật tôn, tốc mái, sập tường rào, sập nhà xe...

Sau khi kiểm tra hiện trường, ông Phan Ngọc Thọ chỉ đạo cấp ủy, chính quyền huyện này huy động tối đa lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trực tiếp về cơ sở phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả của mưa bão, giảm tối thiểu thiệt hại của nhân dân. Trước tiên, chỉ đạo các lực lượng ưu tiên chặt tỉa cây xanh gãy đổ, giải phóng các tuyến đường, nhất là tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để thuận tiện cho việc lưu thông.

Đối với những nơi có nhà bị tốc mái, bị sập, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng nhanh chóng sửa chữa nhà cho người dân, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống.

Động viên, thăm hỏi người dân gặp nạn do bão
 Động viên, thăm hỏi người dân gặp nạn do bão

Khẩn trương tổng dọn vệ sinh trường lớp học, khắc phục các thiệt hại để trở lại dạy học bình thường. Yêu cầu chính quyền các cấp cần nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, đảm bảo không người dân nào bị đói ăn, bệnh tật.

Đến làm việc ở điện lực Thừa Thiên - Huế, ông hoan nghênh ngành điện lực đã nhanh chóng tổ chức lực lượng, phương tiện triển khai khắc phục các sự cố, sớm cấp điện cho những khu vực quan trọng. Đồng thời, chỉ đạo ngành điện tiếp tục củng cố lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, sớm khôi phục điện cho các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn; phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới.

Ngày 19/9, Ban Chỉ huy Công an thành phố Huế tiếp tục huy động lực lượng phối hợp với các cơ quan ban ngành trên địa bàn tổng vệ sinh, khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra.


Cơn bão đã khiến hơn 2.300 cây xanh đường phố bị gãy đổ. Đến chiều 19/9, công tác thu dọn cây đổ ngã và tổng vệ sinh thành phố cơ bản đã hoàn thành.


Các lực lượng cùng người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng vẫn đang tiếp tục đồng sức, đồng lòng, nỗ lực triển khai khắc phục thiệt hại sau bão, nhanh chóng ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

Đọc thêm