Trong năm 2019, lực lượng TTGT tỉnh TT- Huế đã lập biên bản vi phạm hành chính 1.673 trường hợp (gồm các lỗi rơi vãi, chở quá khổ, quá tải, cơi nới thùng hàng, xe vận chuyển khách không có phù hiệu, hợp đồng vận chuyển, đón trả khách không đúng quy định…) với tổng số tiền xử phạt là 2,2 tỷ đồng; tước quyền sử dụng GPLX đối với 133 trường hợp.
Hiện nay trên các tuyến đường, tình trạng xe chở hàng (chủ yếu keo, tràm, vật liệu rời…) quá khổ, quá tải xảy ra khá nhiều nơi; nhất là vào dịp cao điểm các phương tiện ô tô tải tập trung tham gia vận chuyển gỗ keo, tràm và hoạt động vào ban đêm. Ngoài ra, một số xe vi phạm cơi nới kích thước thùng hàng, có dấu hiệu chở hàng quá tải ngay từ nơi xuất phát, tại đầu mối, khu vực cảng hay các mỏ vật liệu, các khu công nghiệp cũng được lực lượng TTGT tỉnh tổ chức tăng cường kiểm tra. Lực lượng TTGT tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, Công an thị xã Hương Trà, Công an thị xã Hương Thủy kiểm tra 1.595 lượt phương tiện, lập biên bản vi phạm hành chính 313 trường hợp, xử phạt với tổng số tiền là 5,787 tỷ đồng, tước quyền GPLX 192 trường hợp.
Trong những tháng cuối năm 2019, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, chỉ thị của UBND tỉnh TT- Huế về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân năm 2020; Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh TT- Huế đã ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện, tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải hành khách tại các bến xe, ga Huế, sân bay Phú Bài, khu vực Thành phố Huế… Qua đó, tập trung xử lý tình trạng xe dù, “xe đi ké”, xe hợp đồng trá hình, bến cóc, xe khách chạy sai luồng, tuyến, đón trả khách không đúng quy định.
Lực lượng TTGT tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra và xử lý các phương tiện vi phạm |
Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm tra tải trọng phương tiện tại các tuyến đường thường xuyên có xe chở hàng hóa, vật liệu rời để rơi vãi, đầu mối các điểm bốc xếp hàng hóa…đảm bảo ATGT tại các công trình thi công, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn. Theo đó, trong 3 tháng cuối năm 2019, lực lượng TTGT tỉnh TT- Huế đã kiểm tra 452 xe; trong đó, có 67 xe vi phạm, xử phạt với tổng số tiền: 1.015.400.000 đồng. Đặc biệt, trong đó có các trường hợp vi phạm quá tải cao nhất đến 151,3% (các trường hợp khác vi phạm đến 125,7%, 116,5%, 110%, 93,9%...). Mới đây, lực lượng thanh tra giao thông đã xử phạt hành chính với tổng số tiền 36.000.000 đồng đối với phương tiện 43C-215.71 do chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100% (trong đó phạt lái xe 6.000.000 đồng và chủ xe là 30.000.000 đồng).
Hiện trên địa bàn tỉnh TT- Huế có rất nhiều nhà máy, điểm tập kết, trung chuyển gỗ keo, tràm như tỉnh lộ 14B có 2 nhà máy sản xuất dăm gỗ của Công ty TNHH TM & Xuất nhập Đinh Hương và của Công ty TNHH Một thành viên Hào Hưng và 2 nhà máy sản xuất dăm gỗ tại tuyến đường vào cảng Chân Mây giao với Quốc lộ 1 (Km 882+850) và 1 nhà máy nằm ngay tại chân đèo Phú Gia. Ngoài ra, còn có một số các điểm tập kết nhỏ nằm ngay trong các khu rừng tràm trên địa bàn 2 huyện Nam Đông và Phú Lộc và nằm trên các tuyến Quốc lộ 49A, Quốc lộ 1A và đường tránh TP. Huế.
Theo ông Võ Hoài Nam, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để chấn chỉnh tình trạng trên, bên cạnh công tác thanh tra, xử lý vi phạm thì các ngành chức năng cần tăng cường việc tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải ký cam kết chấp hành quy định về xếp, dỡ, chở hàng đúng tải trọng; chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT khi tham gia giao thông. Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp KDVT trong công tác quản lý, xếp, dỡ và vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng cho phép tham gia giao thông. Thời gian tới, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện; chủ động phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp trọng tâm, kiểm soát tốt về tải trọng phương tiện trên địa bàn quản lý, nhất là trên các tuyến đường thường xuyên có hoạt động vận tải hàng hóa, hạn chế và dần xóa bỏ tình trạng vi phạm chở hàng quá tải, quá khổ.