Ghi nhận thực tế tại Trạm Y tế xã Thượng Lộ cho thấy, các phòng khám như: Phòng hậu sản, phòng cấp phát thuốc... xuống cấp, mối mọt ăn sâu vào các cánh cửa nên được tháo rời ra. Nhiều mảng tường bong tróc, thấm dột, máy móc thiết bị hư hỏng không thể sử dụng.
Ông Hồ Văn Hào (53 tuổi, trú xã Thượng Lộ) cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện nghèo, khám bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã. Trước đây, mỗi khi đau ốm, tôi đến trạm để các bác sĩ khám, siêu âm chẩn đoán bệnh. Giờ máy móc ở trạm hư hỏng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc khám bệnh. Nay mỗi lần đau ốm muốn lên trung tâm y tế huyện để khám, cách nhà hơn 10km”.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Di, Trưởng Trạm Y tế xã Thượng Lộ, trạm được xây dựng từ năm 2011 và đã đạt chuẩn, hiện có 6 cán bộ. Những năm gần đây, trạm đang xuống cấp đã ảnh hưởng lớn đến tình hình khám chữa bệnh của người dân.
“Chúng tôi đã đề xuất nhiều lần với cấp trên, mong muốn có những dự án đầu tư vào sửa chữa, nâng cấp trạm. Nếu không khắc phục sớm cơ sở xuống cấp, sửa chữa máy móc thiết bị y tế thì trạm có nguy cơ rớt chuẩn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh”, bác sĩ Di nói.
Tình trạng tương tự tại Trạm Y tế xã Thượng Quảng, nhiều phòng bị nứt nẻ, thấm dột, hệ thống cửa mục nát. Các thiết bị phục vụ việc khám chữa bệnh như máy điện tim, máy siêu âm... đã hư hỏng từ nhiều năm nay. Một cán bộ trạm y tế cho biết, hầu hết người dân miền núi đều có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng hơn 1 năm nay họ đều “quay lưng” với cơ sở y tế này vì trạm xuống cấp nghiêm trọng.
Theo ông Hồ Thư, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đông, đa số các trạm y tế xã tại huyện đã xuống cấp, trong khi kinh phí của các trạm nhỏ nên không thể sửa chữa, tu bổ. “Sau khi đề xuất, vừa rồi đoàn của Sở Y tế cũng đã về khảo sát lại các trạm để đưa ra hướng xử lý”, ông Thư cho hay.