Thừa Thiên - Huế nỗ lực tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

(PLVN) - Đến nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế cơ bản được khống chế. Chính quyền đã vận động, hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm đảm bảo việc tái đàn đạt hiệu quả kinh tế; nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn lo ngại, phần do tâm lý lo sợ, phần vì thiếu kinh phí.
Vệ sinh chuồng lợn phòng, ngừa dịch bệnh.
Vệ sinh chuồng lợn phòng, ngừa dịch bệnh.

Huyện Phú Vang là một trong những địa phương chịu nặng nề trước DTLCP với hơn 5.600 con lợn phải tiêu hủy. Chị Đặng Thị Bé (45 tuổi, tổ dân phố Lương Viện, thị trấn Phú Đa) cho biết, dịch đã khiến hơn 50 con lợn thịt và lợn nái của gia đình chị bị tiêu hủy. Nay dịch cơ bản đã được khống chế nhưng gia đình chị vẫn chưa dám tái đàn một phần do chưa có tiền, phần vì tâm lý lo lắng khi dịch chưa chấm dứt hẳn.

DTLCP đã xảy ra ở 712 thôn, 125 xã thuộc 9/9 huyện, TX và TP ở Thừa Thiên - Huế. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là hơn 75.000 con với tổng trọng lượng 580 ngàn tấn. Ước tính kinh phí hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn tiêu hủy là hơn 142 tỷ đồng.

Theo ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, đến thời điểm hiện tại xã có hơn 50 lợn nái và 350 - 400 lợn thịt, lợn con các loại. Hiện thị trường lợn đang có dấu hiệu phục hồi, bà con đang muốn tái đàn nhưng thiếu kinh phí, nguồn giống hiếm và giá cao, nhiều hộ vẫn nuôi dè chừng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tỉnh có khoảng 14.000 con lợn được nuôi tái đàn, phần lớn tại các trang trại bảo đảm an toàn sinh học. Trong đó, theo đề án, huyện Quảng Điền phấn đấu đến năm 2025 đạt 110 hộ chăn nuôi lợn hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học theo chuỗi giá trị. Sẽ triển khai các vùng chăn nuôi lợn tập trung an toàn sinh học tại 16 xã, thị trấn với tổng diện tích quy hoạch gần 308ha phát triển chăn nuôi lợn lâu dài.  

Mới đây, tại buổi làm việc bàn phương án phát triển đàn lợn, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, chính quyền, ngành Nông nghiệp cần có định hướng chấm dứt chăn nuôi lợn trong khu dân cư không đảm bảo an toàn, xây dựng các mô hình chăn nuôi theo mô hình tập trung.  

Được biết, Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ kinh phí sau dịch cho các hộ có lợn bị tiêu hủy do DTLCP và công tác phòng chống dịch hơn 138 tỷ đồng. Các huyện thị, TP đã giải ngân 124 tỷ đồng và đang tiếp tục giải ngân phần kinh phí còn lại. Đồng thời hỗ trợ thêm vốn vay ưu đãi từ nguồn Quỹ phát triển bền vững cho gần 9.000 hộ dân./.

Đọc thêm