Theo công ty điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh đã được đầu tư nhằm tự động hóa và điều khiển từ xa, do đó rất linh hoạt trong việc cấp điện trên các địa bàn.
Đa số các công tơ mua bán điện đều có chức năng đo đọc từ xa, tự động chốt chỉ số, kết nối với phần mềm chăm sóc khách hàng, hỗ trợ khách hàng truy vấn thông tin sử dụng điện. Do vậy, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng ngày càng được nâng cao.
Trong năm 2022, ngành điện sẽ thực hiện đầu tư 10 công trình đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng, với quy mô các dự án là xây dựng mới và cải tạo 8,1 km đường dây hạ thế, 19,7 km đường dây trung thế và 16 TBA tổng dung lượng 2.560kVA tại địa bàn huyện Phong Điền. Ba công trình đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 2,7 tỷ đồng với quy mô các dự án là xây dựng mới và cải tạo 2,27 km đường dây trung thế, 0,82 km đường dây hạ thế và cải tạo 3 TBA/460kVA tại địa bàn huyện A Lưới.
Riêng tại địa bàn huyện Phú Vang, ngành điện lực sẽ thực hiện 7 công trình đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 21,67 tỷ đồng với quy mô là xây dựng mới và cải tạo 22,76 km đường dây trung thế; 9,9 km đường dây hạ thế và đầu tư xây dựng mới, cải tạo 30 TBA với tổng công suất 9.000 kVA.
|
Cuộc họp ở huyện Phong Điền |
Bên cạnh đó, hàng năm ngành điện cũng ưu tiên nguồn vốn hàng chục tỷ đồng để sữa chữa, nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện.
Ông Nguyễn Đại Phúc (Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế) cho biết, đơn vị đã kiến nghị với lãnh đạo huyện ủy, UBND các huyện trên địa bàn để có chủ trương, cơ chế nhằm hướng dẫn cũng như vận động người dân trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, để lưới điện được vận hành an toàn, liên tục, ngành điện cũng đã đề nghị các cấp lãnh đạo chỉ đạo để UBND các xã hàng quý phối hợp cùng đơn vị kiểm tra giải quyết các vướng mắc về vi phạm hành lang tuyến lưới điện theo nghị định 14 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc ở huyện Phú Vang, ông Trần Gia Công (Bí thư Huyện ủy Phú Vang) đã ghi nhận và cảm ơn Điện lực tỉnh thời gian qua đã quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ nhu câu sinh hoạt, sản xuất của người dân, đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua rà soát thực tế, ông Trần Gia Công mong muốn, ngành điện tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực, đầu tư hệ thống lưới điện phục vụ nhu cầu sử dụng điện trong nuôi trồng thủy sản, nhất là tại hai xã Phú Diên và Phú Xuân. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện tại các dự án trọng điểm, các khu dân cư mới. Đồng thời, phải cải tạo, nâng cấp, khắc phục các sự cố về điện nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình sử dụng.
|
Ông Trần Gia Công (Bí thư Huyện uỷ Phú Vang) |
“Tôi cũng yêu cầu các nhà mạng viễn thông sử dụng chung hạ tầng, phối hợp với ngành điện chấn chỉnh trình trạng dây cáp chằng chịt, bó gọn, thu hồi dây cáp không sử dụng, đảm bảo mỹ quan hệ thống lưới điện trên địa bàn”, ông Trần Gia Công mong muốn.
Ông Nguyễn Đình Bách (Chủ tịch UBND huyện Phong Điền) chia sẻ, tỉnh đã có kế hoạch cụ thể về lộ trình xây dựng, phát triển huyện Phong Điền trở thành thị xã Phong Điền vào năm 2024 và định hướng đến năm 2030, xây dựng Phong Điền là đô thị động lực phía Bắc của tỉnh, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường. Do vậy, nhu cầu nguồn cung về điện năng trong thời gian đến sẽ rất lớn.
“Các kiến nghị của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế lãnh đạo huyện nhất trí cao và giao các phòng nghiệp vụ của UBND huyện, sớm có chỉ đạo UBND các xã trực thuộc tăng cường phối hợp, thực hiện tốt các vướng mắc về vi phạm hành lang an toàn lưới điện, đồng thời có cơ chế hỗ trợ ngành điện trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thi công các dự án”, Chủ tịch huyện Phong Điền nói.