Thừa Thiên - Huế: Sẵn sàng kịch bản ứng phó thiên tai trong bối cảnh COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng mưa bão, Thừa Thiên - Huế đã sẵn sàng kịch bản di dời dân trong trường hợp cần thiết nhưng vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ với PLVN.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế.

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây?

- Tỉnh Thừa Thiên Huế được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế... đánh giá là một trong những tỉnh miền Trung trọng điểm đối diện nguy cơ rủi ro cao do thiên tai, nhất là bão, lũ, trượt lở đất, lũ quét...

Trong các năm qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Mưa lũ sớm trái mùa xuất hiện thường xuyên, cường suất lũ tăng lên rõ rệt. Các đợt lạnh, rét đậm rét hại hay nắng nóng kéo dài bất thường. Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục diễn biến phức tạp, nay có hơn 20 km bờ biển bị xâm thực sâu. Số liệu thống kê từ sau năm 2010 đến năm 2020, thiên tai đã làm 115 người chết, với tổng thiệt hại kinh tế là 5.610 tỷ đồng.

Tính riêng trong năm 2020 vừa qua, đặc biệt từ tháng 9 đến giữa tháng 11, bão lũ xảy ra liên tiếp với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh; mực nước trên sông Bồ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Đau thương nhất là liên quan đến vụ việc sạt lở núi tại thủy điện Rào Trăng 3 cướp đi sinh mạng của 30 người.

Theo thống kê, tỉnh có 41 người chết, 11 người mất tích, ước tính thiệt hại 2.273 tỷ đồng trong năm 2020 do thiên tai. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm có khoảng 7-9 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có 3-4 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, mưa lớn cực đoan tại khu vực Trung Trung Bộ vào tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12 trong đó có địa bàn Thừa Thiên - Huế.

- Đâu là những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai của tỉnh nhà, thưa ông?

- Thời gian vừa qua, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác lãnh chỉ đạo phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai còn có lúc, có nơi chưa đạt được toàn diện mục tiêu đề ra, còn một số bất cập, phương châm “4 tại chỗ” còn hình thức, không sát thực tế.

Một bộ phận nhỏ dân cư còn chủ quan, bàng quan, ỷ lại chính quyền. Hệ thống dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ, khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai còn nhiều bất cập. Lực lượng cán bộ tham mưu làm công tác phòng chống thiên tai cấp huyện, xã thường làm kiêm nhiệm nhưng lại phụ trách khối lượng công việc rất lớn.

Ngoài ra, cơ sở vật chất hiện có chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nhất là dự báo mưa phục vụ công tác vận hành hồ chứa nước, dự báo cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.

Qua những mùa thiên tai, tôi nghĩ sự chủ động phòng ngừa, sẵn sàng vào cuộc từ sớm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai cũng cần đẩy mạnh hơn nữa.

Ông Hoàng Hải Minh trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân mất tích do thiên tai tại Thuỷ điện Rào Trăng 3.

Ông Hoàng Hải Minh trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân mất tích do thiên tai tại Thuỷ điện Rào Trăng 3.

- Ông có thể cho biết tỉnh đã có những giải pháp gì để ứng phó với thiên tai trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID- 19?

- Tinh thần chính vẫn là “sẵn sàng đối diện, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống”. Trong đó, bảo vệ tính mạng con người phải đặt lên hàng đầu. Phát huy phương châm “4 tại chỗ” bởi tại Thừa Thiên - Huế, phương châm này được áp dụng rất hiệu quả và là nhân tố quyết định trong công tác phòng chống thiên tai.

Ngoài “4 tại chỗ”, Thừa Thiên - Huế còn phát huy hiệu quả phương châm thứ 5 là “tự quản tại chỗ”, “rút kinh nghiệm tại chỗ”. Yêu cầu đặt ra của phương châm này là cấp ủy, chính quyền địa phương lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm chỉ đạo, người dân tự quản, nâng cao vai trò trưởng thôn, tổ trưởng dân phố...

Phải quản lý, bảo vệ người dân, chú trọng những người dễ bị tổn thương như người già neo đơn, phụ nữ đang mang thai, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo; cha mẹ quản lý, bảo vệ con cái; trường học, thầy cô bảo vệ học sinh... Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cụ thể Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh sử dụng tổng hợp nhiều giải pháp như nhắn tin, chuyển email, facebook, zalo, website, ứng dụng Hue-S của Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh phát các bản tin cảnh báo thiên tai để các địa phương, đơn vị chủ động phòng tránh.

Tuyên truyền cho người dân về chủ động chuẩn bị ứng phó thiên tai xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Sử dụng đường dây nóng phục vụ phòng chống dịch Covid của tỉnh là 19001075 hỗ trợ ứng phó mưa lũ cho cộng đồng và đưa ra các quyết định nghiêm cấm người ra đường khi có bão, lũ lớn qua đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cuối cùng là không quên tập trung nhiều nguồn lực cho lực lượng xung kích tại chỗ. Lực lượng này được bố trí tại các khu dân cư, cụm gia đình, các vùng xung yếu, điểm nóng... Khi nước lũ dâng cao, hạn chế tối đa thiệt hại về người trong và sau bão lũ.

- Trường hợp phải di dời dân để phòng tránh thiên tai, tỉnh đã có phương án gì để đảm bảo an toàn dịch bệnh, thưa ông?

- Trong trường hợp phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...) thì tỉnh sẽ xây dựng phương án, kịch bản sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, bố trí khu vực phù hợp với từng đối tượng, tình hình dịch tại địa phương. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các lực lượng liên quan tổ chức thực hiện.

Tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư cần phải sơ tán: test nhanh để tách trường hợp nghi ngờ F0 ra khỏi cộng đồng trước khi tổ chức vận chuyển đến nơi sơ tán (các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao cần phải bố trí tại khu vực riêng).

Tổ chức sơ tán người dân và kiểm tra các điểm tránh trú an toàn phòng chống thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế tại điểm sơ tán, nơi tập trung đông người phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong đó các lực lượng công an, dân quân tự vệ, bộ đội, tổ chức đoàn thanh niên... sẽ hỗ trợ công tác sơ tán dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của mưa bão, lũ.

Chú ý ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ có thai. Bảo đảm an toàn trong quá trình sơ tán và tại khu sơ tán. Hỗ trợ chằng chống nhà cửa khi người nhà sơ tán. Cắt toàn bộ hệ thống điện trước khi ra khỏi nhà, phòng chống cháy nổ.

Thực hiện tốt công tác kết hợp quân dân y trong phòng chống thiên tai. Ngoài ra, bảo đảm giãn cách tại khu sơ tán tốt nhất có thể, thực hiện nguyên tắc “5K”, bảo đảm các phương tiện sát khuẩn, khẩu trang đủ cho người được sơ tán và những người làm việc tại khu sơ tán. Cấp phường, xã cũng nên có túi thuốc y tế để dự phòng...

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm