Thừa Thiên - Huế thúc tiến độ các dự án hỗ trợ ngư dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xây dựng các cơ sở hạ tầng nghề cá là một trong những yêu cầu quan trọng để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu, thuyền trên biển; đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của Ủy ban Châu Âu (EC) về quản lý cảng cá, góp phần chung trong nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định). Tại Thừa Thiên - Huế, hiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá tại địa phương này chưa đáp ứng nhu cầu đề ra.
Cảng cá Thuận An kết hợp với âu thuyền tránh trú bão đang được xây dựng.
Cảng cá Thuận An kết hợp với âu thuyền tránh trú bão đang được xây dựng.

Cửa biển nhiều, nhưng ra vào khó khăn

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 5 cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Kiểng, Bình An, Lăng Cô điều kiện thuận lợi cho tàu cá neo đậu, lên cá. Tuy nhiên, hầu hết các cửa biển đều cạn, biên độ thủy triều thấp (khoảng 0,5m) khiến việc ra vào cửa biển của tàu thuyền khó khăn, nguy hiểm, đặc biệt trước và sau thời gian có bão, gió mùa. Vì vậy, khó phát triển đội tàu xa bờ khai thác cỡ lớn từ 24m trở lên tại địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 595 tàu cá có đăng ký, trong đó tàu cá xa bờ dài hơn 15m là 402 chiếc (13 chiếc 24m trở lên), tàu 12 đến dưới 15m là 158 chiếc; tàu 6 đến dưới 12m là 35 chiếc. Số ghe nan bãi ngang (vỏ nan tre quét dầu rái) khai thác ven bờ khoảng 1.400 chiếc.

Thực hiện quy định về IUU, tính đến nay tỉnh có 397 tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) trong 402 tàu chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt. Số còn lại 5 chiếc chưa lắp đặt do nằm bờ, đang cải hoán.

Sở đã ban hành quy trình xử lý dữ liệu giám sát hành trình với tàu cá chiều dài từ 15 đến dưới 24m không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển. Qua theo dõi, xử lý đã có 335 lượt tàu mất kết nối, số liệu tàu mất tín hiệu 10 ngày trở lên là 15 chiếc, đến nay hàng chục tàu vẫn chưa khắc phục được.

Tỉnh đã bố trí 13 người tại cảng cá Thuận An triển khai thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU; trang bị máy vi tính, máy ảnh phục vụ công tác cập nhật dữ liệu, truy cập thông tin tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp trên trang VN-Fishbase, giám sát hành trình tàu cá. Do nhân lực hạn chế, cán bộ văn phòng chủ yếu là kiêm nhiệm của các đơn vị (Chi cục Thủy sản, BQL Cảng cá Thuận An, Đồn Biên phòng) nên từ đầu năm đến nay chỉ tổ chức được 5 đợt với 14 ngày kiểm tra tàu ra vào cảng.

Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp các lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm tra trên vùng đầm phá, các tuyến sông để tuyên truyền, phòng chống và ngăn chặn các tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đã xử lý 8 trường hợp vi phạm khai thác IUU, xử phạt gần 150 triệu đồng.

Tập trung vốn hoàn thành các cảng cá, khu neo đậu

Tỉnh đang triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá từ nguồn vốn bồi thường sự cố môi trường biển của Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp - Formosa Hà Tĩnh. Trong đó, công trình xây dựng cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão với diện tích sử dụng đất và mặt nước 16ha, tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng. Theo thiết kế cảng cá mới đảm bảo quy mô để tàu cập bến, xuất bến công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm; đáp ứng nhu cầu neo đậu tránh trú bão cho 500 tàu thuyền các loại có chiều dài 6m trở lên.

Với công trình nâng cấp, sửa chữa mở rộng Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão, tổng diện tích 20ha (diện tích khu đất 2,6ha, mặt nước 17,4ha) tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng. Với công trình nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải, xã Phú Hải (huyện Phú Vang) vốn 32 tỷ đồng.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU tại tỉnh. Qua kiểm tra tại cảng cá Thuận An và Tư Hiền, ông Tiến đánh giá hạ tầng nghề cá tại tỉnh cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế các bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nghề cá, có thể thấy tiến độ đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, bến bãi, khu neo đậu tránh, trú bão trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo ông Tiến, đầu tư phát triển hiện đại đồng bộ cơ sở hạ tầng nghề cá là một yêu cầu quan trọng để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu thuyền. Thừa Thiên - Huế là 1 trong 4 tỉnh triển khai tương đối đảm bảo tiến độ thi công các dự án, nhưng so với yêu cầu thì vẫn còn chậm. “Nếu đảm bảo được tất cả dự án Bộ và Chính phủ phê duyệt thì chúng ta sẽ có hạ tầng thủy sản đồng bộ, hiện đại, phục vụ tốt cho việc khai thác và gỡ thẻ vàng IUU”, ông Tiến nói.

“Thời gian tới, địa phương cần rà soát lại quy hoạch để tập trung bố trí vốn đầu tư hoàn thành các cảng cá, khu neo đậu. Bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình, cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão và đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác công trình”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đọc thêm