Với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với tiêu thụ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp đặc trưng địa phương như: Chè, khoai sọ, sơn tra, thanh long, chanh leo, xoài... Những năm qua, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các ngành chuyên môn đẩy mạnh hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn áp dụng quy trình thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân trồng cây ăn quả trên địa bàn.
Theo thống kê, hiện toàn huyện có hơn 4.200 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là xoài, chanh leo, bơ, nhãn, thanh long, với trên 3.500 ha cây ăn quả được trồng bằng các giống chất lượng cao. Trong đó, có 21 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với diện tích trên 330 ha; có 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả, trong đó 2 mã vùng trồng cây xoài với diện tích 17 ha đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, DuBai, Nhật Bản; 8 mã vùng trồng xoài, nhãn, thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích 220 ha; hơn 300 ha chè, 17 ha cà phê, 7 ha cây ăn quả, 1 ha cây sa nhân được áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel...
Sản phẩm hữu cơ của huyện tham gia quảng bá tại các hoạt động xúc tiến thương mại. |
Đến nay, huyện đã hình thành 11 chuỗi sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm gồm: Xoài, cam, bơ, thanh long ruột đỏ, chanh leo, nhãn, nhãn hữu cơ, cà phê... Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng, đăng ký 5 sản phẩm đạt OCOP, trong đó, có 4 sản phẩm nông nghiệp đạt từ 3 đến 4 sao. Sau khi được công nhận, các sản phẩm đã được huyện tạo điều kiện tham gia chương trình hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó được nhiều khách hàng quan tâm và đầu ra cũng trở nên thuận lợi.
Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ: Nếu như trước đây các loại cây ăn quả chủ yếu được người dân trồng theo phong trào, chưa chú trọng đến chất lượng giống, đầu tư chăm bón, cải tạo, cây ăn quả bị thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp. Giờ đây, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc áp dụng các tiêu chuẩn tương tự trong sản xuất nông nghiệp. Từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đã cung cấp ra thị trường các sản phẩm nông sản sạch, an toàn, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm nông sản.
Đặc sản khoai sọ Thuận Châu được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. |
Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 500 ha cây ăn quả, 300 ha chè, được áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo GAP và các tiêu chuẩn tương đương được cấp có thẩm quyền công nhận; có 100 ha diện tích cây trồng được ứng dụng các biện pháp tưới tiết kiệm; 500 ha cây trồng (rau, quả, dược liệu) sản xuất hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao; hình thành và phát triển 15 vùng nguyên liệu tập trung phục vụ các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Nhận thức về lợi ích của sản xuất hữu cơ đối với sức khỏe, môi trường, xã hội, huyện Thuận Châu đang tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; duy trì nhãn hiệu, thương hiệu cho các loại sản phẩm đã được chứng nhận và tuyên truyền người dân mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đối với một số cây trồng chủ lực.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Thuận Châu được người tiêu dùng đón nhận. |
"Đồng thời, tiếp tục đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm, khắc phục sự suy thoái tài nguyên, bảo vệ môi trường; hướng đến xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp sạch, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương", ông Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ.
Việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ đã và đang nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Từ đó, phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, người dân yên tâm sản xuất.