Thuận Thành tiến tới trở thành thị xã phát triển của tỉnh Bắc Ninh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2022, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đang nỗ lực thực hiện những giải pháp phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, tiến tới trở thành đô thị loại IV trong tương lai.
KCN Thuận Thành đã tạo ra nhiều việc làm, thu hút nguồn lao động tại địa phương và các tỉnh
KCN Thuận Thành đã tạo ra nhiều việc làm, thu hút nguồn lao động tại địa phương và các tỉnh

Thuận Thành trên đà phát triển

Huyện Thuận Thành là một vùng đất cổ với diện tích hơn 117 km2, dân số gần 200.000 người. Hiện huyện có 18 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc bao gồm thị trấn Hồ và 17 xã: An Bình, Đại Đồng Thành, Đình Tổ, Gia Đông, Hà Mãn, Hoài Thượng, Mão Điền, Nghĩa Đạo, Ngũ Thái, Nguyệt Đức, Ninh Xá, Song Hồ, Song Liễu, Thanh Khương, Trạm Lộ, Trí Quả, Xuân Lâm.

Nằm ở phía Nam tỉnh Bắc Ninh, đô thị Thuận Thành được định hướng là đô thị dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Với vị trí thuận lợi nằm trên hành lang kết nối 06 phân khu đô thị Bắc Ninh - Tiên Du - Từ Sơn - Quế Võ - Yên Phong ,Thuận Thành và giữ vai trò liên kết giữa đô thị Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên thông qua nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng.

Trong những năm trở lại đây, huyện Thuận Thành đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Đương, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho biết: “UBND huyện đang tiếp tục triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng đối với các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư, triển khai và sử dụng có hiệu quả các khu công nghiệp hiện có như: KCN Thuận Thành I, KCN Thuận Thành II, KCN Thuận Thành III, KCN Khai Sơn,… đã tạo ra nhiều việc làm, thu hút nguồn lao động tại địa phương và các tỉnh đến làm việc và sinh sống. Đây cũng là ngành kinh tế chủ lực chiếm phần lớn trong tổng giá trị các ngành kinh tế của huyện”.

Bên cạnh việc định hướng trở thành đô thị dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, huyện Thuận Thành còn giữ vai trò là trung tâm tổng hợp (kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch, dịch vụ), đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía Nam sông Đuống và khu vực lân cận.

Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh

Với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng, là trung tâm Phật giáo của cả nước, Thuận Thành có tiềm năng lớn phát triển du lịch tâm linh. Hiện, huyện có 126 điểm di tích, trong đó có 72 di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận và xếp hạng, gồm: 20 di tích cấp quốc gia, 02 di tích quốc gia đặc biệt, 06 bảo vật quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, huyện cũng đang lưu giữ hàng trăm tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị khai thác nhằm phát huy truyền thống và phát triển du lịch, tiêu biểu như: đền thờ Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Linh Ứng, thành cổ Luy Lâu, chùa Tổ Mẫu Tứ Tháp,… Phần lớn các công trình này đều đã có từ lâu đời, mang nét đẹp tâm linh và nét kiến trúc cổ xưa.

Chùa Bút Tháp nổi tiếng tại huyện Thuận Thành

Chùa Bút Tháp nổi tiếng tại huyện Thuận Thành

Ngoài ra, huyện Thuận Thành còn có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc như làng tranh dân gian Đông Hồ, làng gốm Luy Lâu. Những di tích lịch sử này, hàng năm đã thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan du lịch và chiêm bái, góp phần mang lại những nguồn lợi kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương.

Gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa và tín ngưỡng là các lễ hội truyền thống – một loại hình sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng làng, xã ở Thuận Thành, như: Hội Á Lữ, giỗ thuỷ tổ dân tộc Việt Nam – Kinh Dương Vương, Hội thi gà Hồ – làng Lạc Thổ, Hội Khám, Hội Chùa Dâu…. Những năm gần đây, các điểm di tích, lễ hội và làng nghề của huyện Thuận Thành đã và đang thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương.

Quyết tâm xây dựng chính quyền vững mạnh

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thuận Thành đã phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,2% (vượt mục tiêu Đại hội đề ra); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp (tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản 8,1%, công nghiệp và xây dựng 49,9%, dịch vụ 42,0%).

Đến nay, 17/17 xã đạt 19/19 tiêu chí xã Nông thôn mới, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện Nông thôn mới; kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư hiện đại, đồng bộ theo hướng phát triển đô thị; giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết việc làm, công tác an sinh xã hội được quan tâm; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chuyển biến, đổi mới phương thức lãnh đạo bám sát tình hình thực tiễn.

Đô thị Hồ mở rộng được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV

Đô thị Hồ mở rộng được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương, ngày 30/12/2020 đô thị Hồ mở rộng (đô thị Thuận Thành) được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV. Đây là tiền đề, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, tạo động lực thu hút được các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng tại địa phương, từ đó thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nói chung và của huyện Thuận Thành nói riêng.

Cũng trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, huyện Thuận Thành đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư xây dựng cơ bản và rà soát, hoàn thiện các tiêu chí còn yếu trong bảng đánh giá đô thị loại IV.

Ông Nguyễn Xuân Đương cho biết thêm: “Thuận Thành đang thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan và phát triển đô thị theo đúng Quy hoạch chung đô thị Hồ và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Nhiều khu đô thị mới như: Đô thị mới phía Nam thị trấn Hồ; khu đô thị Đức Việt, Trung Quý (xã Gia Đông); khu đô thị An Bình; khu đô thị Hồng Hạc (xã Xuân Lâm) đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội trọng điểm đã và đang được thi công và đưa vào sử dụng góp phần tạo nên bộ mặt mới cho đô thị Thuận Thành trong giai đoạn phát triển”.

Thuận Thành vượt qua đại dịch, duy trì đời sống ổn định cho nhân dân

Trong hai năm vừa qua, chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19, huyện Thuận Thành nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức về phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống an toàn, ổn định cho nhân dân. Tuy nhiên với sự đồng hành, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ban ngành từ Trung ương đến địa phương với phương châm thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện Thuận Thành đã đưa ra các phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với dịch bệnh.

Huyện Thuận Thành thực hiện khoanh vùng, cách ly toàn huyện theo Chỉ thị 16/CT-TTg

Huyện Thuận Thành thực hiện khoanh vùng, cách ly toàn huyện theo Chỉ thị 16/CT-TTg

Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 4, huyện Thuận Thành cũng trở thành một trong những ổ dịch “nóng” của tỉnh Bắc Ninh. Ông Nguyễn Xuân Đương, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, đồng thời cũng là Trưởng ban Chỉ đạo huyện phòng, chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo huyện bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, dự báo trước nguy cơ lây nhiễm khi xuất hiện. Ngay sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, lãnh đạo huyện đã xác định tình hình diễn biến nghiêm trọng với nguy cơ bùng phát cao, nhanh chóng đề xuất với UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện khoanh vùng, cách ly toàn huyện theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Ông Nguyễn Xuân Đương chia sẻ: “Thời điểm này, UBND huyện Thuận Thành đã kích hoạt mức cao nhất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhằm khống chế không để dịch bệnh xảy ra và lan rộng trong cộng đồng, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó, lực lượng y bác sĩ, quân đội, công an… có vai trò nòng cốt, tiên phong trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”.

Bên cạnh đó, huyện cũng kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp trên địa bàn gặp phải do dịch bệnh, huyện Thuận Thành cũng nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ, đồng thời tận dụng cơ hội “vàng” đón làn sóng đầu tư mới, chú trọng mở rộng các hoạt động thương mại và phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế.

Có thể thấy, đề án thành lập thị xã Thuận Thành vào năm 2022, đây sẽ là động lực thúc đẩy địa phương phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có, để từ đó bứt phá vươn lên, phát triển bền vững. Việc thành lập thị xã Thuận Thành đang là nhiệm vụ bức thiết, vừa đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền cũng như người dân trên địa bàn, vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống an sinh của địa phương.

Đọc thêm