Thực thi pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập đang có những khoảng trống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực tiễn cho thấy có nhiều yếu tố tác động, chi phối và quyết định đến hiệu quả của công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, khiến tham nhũng nảy sinh. Ở nhiều nước khu vực Đông Nam Á, việc thực thi pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập lại có những khoảng trống nhất định.

Đây là những đánh giá được nêu tại Hội thảo tập huấn ASEAN-PAC về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn với sự tham dự của các đại diện 10 cơ quan thành viên ASEAN-PAC (cơ quan phòng chống tham nhũng (PCTN) của các nước ASEAN) và một số cơ quan hữu quan của Việt Nam. Hội thảo vừa diễn ra chiều nay (22/9) theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những biện pháp PCTN quan trọng được thực hiện ở các quốc gia trên thế giới. Biện pháp này giúp các cơ quan có thẩm quyền kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, giúp nhận diện các xung đột lợi ích tiềm tàng và hiện hữu trong quản lý nhà nước. Việc kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn sẽ góp phần xây dựng khu vực công liêm chính, trách nhiệm, tạo dựng và duy trì lòng tin của công chúng vào bộ máy công quyền.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm chủ trì Hội thảo tập huấn ASEAN-PAC về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm chủ trì Hội thảo tập huấn ASEAN-PAC về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ.

Theo ông Liêm, đến nay kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được đề cập trong nhiều điều ước quốc tế về chống tham nhũng, đặc biệt là tại Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) năm 2003. Đây cũng là biện pháp được ghi nhận trong pháp luật của nhiều quốc gia, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở nhiều quốc gia vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Các chuyên gia dự Hội thảo đã trao đổi nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm cung cấp các thông tin có giá trị tham khảo tốt, phục vụ thiết thực cho công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập ở các nước ASEAN. Các đại biểu tham dự từ các nước ASEAN cũng đã trao đổi thực tiễn, kinh nghiệm ở quốc gia mình và cùng nhau tìm hiểu các chuẩn mực quốc tế về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong các điều ước quốc tế về PCTN.

Một trong những thực tiễn tốt đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu là kinh nghiệm của Malaysia về vấn đề này. Theo Trợ lý Vụ trưởng (Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia - MACC) Hong Chin Chin, Malaysia đã thành lập đơn vi kế toán pháp y tuyển dụng các chuyên gia từ khu vực tư nhân có chuyên môn về máy tính và phân tích kế toán. Đồng thời, xây dựng lực lượng thực thi pháp luật “chìm”, trinh sát; xử lý các tố cáo, khiếu nại một cách thuận lợi.

Luật MACC và Điều 49 Luật Phòng, chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố và tài sản từ hoạt động bất hợp pháp về kê khai tài sản của Malaysia cũng quy định phạt nặng vi phạm về vấn đề này. Cụ thể, phạt tù đến 20 năm hoặc phạt tiền ít nhất là 10 nghìn ringgit hoặc ít nhất là 5 lần giá trị tài sản vượt quá đối với trường hợp giá trị tài sản vượt quá lớn hơn 10 nghìn ringgit.

Hội thảo tại điểm cầu trụ sở Thanh tra Chính phủ.

Hội thảo tại điểm cầu trụ sở Thanh tra Chính phủ.

Theo các chuyên gia, UNCAC đã yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp và thiết lập cơ chế quy định công chức phải thực hiện kê khai tài sản và nộp cho các cơ quan hữu quan liên quan, trong đó có nội dung kê khai về các hoạt động nghề nghiệp ngoài cơ quan, các khoản đầu tư, tài sản và các quà tặng hay lợi ích có thể làm phát sinh các xung đột lợi ích liên quan đến hoạt động công vụ của họ. UNCACS cũng nhấn mạnh vai trò của các bản kê khai tài sản đối với hoạt động điều tra các vụ án tham nhũng.

Qua trao đổi của các đại biểu, tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều đã phê chuẩn UNCAC và hầu hết đã xây dựng cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức nhằm nâng cao tính minh bạch và liêm chính cũng như niềm tin của người dân vào nền quản trị công. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống nhất định trong việc thực thi pháp luật về vấn đề này ở đa số các quốc gia ASEAN.

Thực tiễn cho thấy có nhiều yếu tố tác động, chi phối và quyết định đến hiệu quả của công tác kiểm soát tài sản, thu nhập. Chẳng hạn như quyết tâm chính trị, thể chế chính trị, trình độ phát triển, khuôn khổ pháp luật, năng lực, điều kiện đảm bảo thực thi pháp luật.

Đồng thời, bối cảnh kinh tế - xã hội, nhất là ở các quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi hoặc chưa chuyển đổi cũng làm phát sinh nhiều cản trở cho việc triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Hay việc chưa có một hệ thống thể chế kinh tế thị trường hoàn thiện và các hoạt động kinh tế phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn đã tạo điều kiện cho tham nhũng nảy sinh và cản trợ đáng kể những nỗ lực kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan có thẩm quyền.

Kê khai tài sản là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm PCTN nếu được sử dụng hiệu quả. Thông qua các bản kê khai tài sản, thu nhập, công chức sẽ công khai tình hình tài chính và các lợi ích cá nhân của mình.

Riêng về mặt tài chính, việc công chức trở nên giàu có mà không thể giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì đều bắt nguồn từ việc biển thủ công quỹ và từ các khoản hối lộ mà công chức có được trong thời gian đương chức.

Đọc thêm