Thương binh – Doanh nhân Nguyễn Bá Lệ: Gương sáng trong cả thời chiến và thời bình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từng là một người lính trở về từ chiến trường với đầy những mảnh bom mìn hằn trong cơ thể, nhưng với phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, Đại úy Nguyễn Bá Lệ (SN 1959, ngụ phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) vẫn làm nên những điều kỳ diệu giữa đời thường.
Thương binh Nguyễn Bá Lệ còn là gương sáng trong phát triển kinh tế.
Thương binh Nguyễn Bá Lệ còn là gương sáng trong phát triển kinh tế.

Năm 1977, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai Nguyễn Bá Lệ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, tham gia hỗ trợ chiến đấu tại chiến trường Campuchia gần 10 năm trời.

“Khó khăn trên chiến trường giờ mà kể ra thì nhiều vô kể, nhưng không đau đớn bằng chuyện nhiều đồng đội đã hy sinh trên chiến trường. Giờ mình còn sống và được sống trong thời kỳ hòa bình thế này là quý lắm rồi...”, ông nói.

Trong những trận chiến khốc liệt, ông không ít lần bị dính bom đạn trong lúc cùng chiến đấu. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, năm 1994, thương binh Nguyễn Bá Lệ rời quân ngũ với cấp bậc đại úy. Năm 2001, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế vẻ vang tại Campuchia.

Trên cơ thể người thương binh vẫn còn đó những mảnh bom đạn lúc thực hiện nhiệm vụ trên chiến trường và cánh tay phải đã mất đi do tai nạn trong một lần lao động sản xuất. Những cơn đau dai dẳng về mặt thể xác vẫn xuất hiện mỗi lúc trái gió trở trời, nhưng với phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, ông vẫn không ngừng vươn lên trở thành tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, làm kinh tế giỏi ngay trên chính quê hương.

Sau khi xuất ngũ, ông không ngừng học hỏi tích lũy kinh nghiệm, mạnh dạn vay vốn mở một cơ sở sản xuất hương, nến. Đi qua giai đoạn khó khăn của những năm đầu khi đi vào hoạt động, giờ trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

Những năm trở lại đây, ông còn chuyển sang trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn nái sinh sản, mỗi năm cũng mang lại nguồn thu nhập từ 60-70 triệu đồng.

Song song với việc phát triển kinh tế, để tưởng nhớ và tri ân những đồng đội đã ngã xuống, ông cũng luôn được biết đến là một trong những người đi đầu trong các hoạt động hướng đến cộng đồng.

Có thể kể đến là việc hỗ trợ, giúp đỡ những người khuyết tật tại phường Bắc Nghĩa phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. “Bản thân cũng là một thương binh, sau khi trở về từ chiến trường, tôi và anh Lệ cùng một số thương binh khác được Hội vì sự Phát triển của Người khuyết tật cho đi tập huấn, học tập nâng cao trình độ phát triển kinh tế. Năm 2008, chúng tôi quyết định thành lập Hội Người khuyết tật phường Bắc Nghĩa để tư vấn, giúp đỡ những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo.

Là người có kiến thức, trình độ và được đào tạo bài bản từ thời còn trẻ rồi cùng với đó là việc được tập huấn về việc các mô hình nuôi trồng, nên anh Lệ rất nhanh nhạy và nhiệt tình trong việc tư vấn, hỗ trợ những người khuyết tật”, Hội trưởng Trần Ngọc Hòa chia sẻ.

Vượt qua những khó khăn cùng nghị lực vượt khó, thương binh Nguyễn Bá Lệ nay không chỉ là tấm gương sáng về người “thương binh tàn nhưng không phế” mà còn là động lực, là tấm gương để những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Bắc Nghĩa nỗ lực thoát nghèo, vươn lên để ổn định cuộc sống.

Đọc thêm