Thương về Cát Cát và niềm hi vọng về sự hồi sinh của trấn cổ

(PLVN) -  Một trận lũ đi qua đã quét sạch không gian của vùng trấn cổ được mệnh danh đẹp nhất tại Sa Pa. Khó khăn chồng khó khăn, người dân vùng lại thêm nỗi lo mùa thiên tai về ngay giữa lúc du lịch chật vật với làn sóng COVID-19 lần thứ 4.
Bản Cát Cát tan hoang sau mưa lũ.

Dịch chưa qua, lũ đã về

Trận mưa lớn diễn ra những ngày giữa tháng 7 đã khiến bản Cát Cát ngưng đọng hết tất cả các dịch vụ đón khách. Theo thông tin, mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ đã khiến nhiều nơi ở Lào Cai xảy ra tình trạng ngập úng, riêng tại bản Cát Cát, những công trình phục vụ du lịch bị hư hại nặng nề.

Theo Ban quản lý khu du lịch bản Cát Cát, cảnh quan lan can, cầu thang, vườn hoa hồng... đều bị hư hại. Ngoài ra, vườn hoa hồng cổ Sa Pa, vườn hoa châu Âu cùng nhiều hạng mục công trình khác xây bằng đá cũng bị nước lũ cuốn trôi. Mưa lũ tại Lào Cai còn làm ngập lụt 15 nhà dân, cuốn trôi 10 ao nuôi thủy sản; trên 30ha lúa và hoa màu bị vùi lấp, hư hỏng. Ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.

Cùng những thiệt hại đáng kể cho các hạng mục công trình du lịch ở Cát Cát, trên đoạn đường “tứ đại đỉnh đèo” Ô Quy Hồ cũng gặp sự cố, lũ ống khiến lượng đất đá tràn ra lòng đường lên tới 500m3. Lũ ống từ trên Thác Tiên đổ xuống, cuốn theo đất đá, gỗ củi vùi lấp khoảng 500m mặt quốc lộ 4D đi Lai Châu, làm ách tắc giao thông cơ giới và đi bộ tại đây. Rất nhiều xe tải, xe con và người đi xe máy phải dừng tại hai đầu đoạn đường bị đất đá vùi lấp hoặc quay trở lại nơi xuất phát. Nhiều tuyến đường giao thông tại TX Sa Pa bị lũ tàn phá, hư hỏng nặng.

Ông Vũ Xuân Quý, Trưởng phòng Kinh tế TX Sa Pa thông tin: “Các công trình này được tạo dựng bằng gỗ, nứa để du khách check-in, tham quan. Ước tính thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng. Sau khi nước lũ rút, khu du lịch đã huy động lực lượng dọn dẹp, khắc phục hậu quả”.

Đáng nói, từ nay đến cuối năm, không chỉ tại Sa Pa mà các vùng du lịch thuộc Trung du miền núi phía Bắc sẽ phải cẩn trọng với thiên tai. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 6 tháng cuối năm 2021, dự kiến Việt Nam sẽ phải hứng chịu từ 7 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; trong đó có 5 đến 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền, kéo theo mưa lũ và sạt lở đất ở nhiều địa phương và có thể gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về người và của.

Khung cảnh hùng vĩ nơi thiên đường Cát Cát.

Mong chóng ngày hết dịch

Cùng với thiên tai, người làm du lịch vùng cũng chật vật với khó khăn trong mùa dịch. Từng là một trong những địa điểm “gây bão” mạng mỗi mùa du lịch, bản Cát Cát hiện nay đìu hiu và ảm đảm trong bối cảnh chung. Dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 kéo dài đến nay, khiến hoạt động kinh doanh của du lịch luôn trong tình trạng cầm chừng và gần như mất hẳn nguồn khách nước ngoài vốn chiếm tới 80% lượng khách trước đây. Trong khi đó, hoạt động đón khách nội địa không ổn định, tình trạng hoãn hủy liên tục xảy ra do tình hình dịch tại thị trường Hà Nội phức tạp.

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, có khoảng 15 - 20% cơ sở lưu trú dừng hoạt động, các cơ sở lưu trú còn lại đa số chỉ có khách trong những dịp cuối tuần, lễ, Tết; kéo theo đó là hơn 3.000 lao động trong lĩnh vực du lịch bị mất việc làm hoặc phải tạm nghỉ việc. Theo đó, số người xin nhận trợ cấp thất nghiệp tại Lào Cai tăng cao đến mức báo động.

Khó khăn chồng khó khăn nhưng bi quan đã chẳng phải là tâm trạng của người dân ở Lào Cai. Bởi có năm nào mà không có thiên tai, có năm nào mà không có lũ ống, sạt lở ở vùng núi này. Giữa ngổn ngang thiệt hại, cộng đồng du lịch động viên nhau, nhanh chóng khắc phục thiệt hại sau lũ.

Những nếp nhà đơn sơ, kiến trúc thiết kế mộc mạc của người Mông đã thu hút khách du lịch.

Trước đó, một tín hiệu đáng mừng, Sa Pa là một trong những địa điểm hiếm hoi ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ trong bão dịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai thông tin, 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượng khách đến Lào Cai ước đạt trên 1,1 triệu lượt, tăng 21% so với cùng kỳ, tổng thu dịch vụ du lịch ước đạt 3.448 tỷ đồng, bằng 140,4% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh thu hút đông khách là Sa Pa đón 552.000 lượt khách, TP Lào Cai 520.000 lượt, Bắc Hà 92.000 lượt, Bát Xát trên 21.000 lượt...

Có nhiều lý do cho sự “vượt khó” của du lịch bản Cát Cát nói riêng và Lào Cai nói chung. Chỉ riêng về tài nguyên thiên nhiên và cảnh đẹp, hiếm có nơi nào trên khắp Việt Nam mang lại cảm giác như ở bản Cát Cát. Cát Cát được ví von như một thước phim cổ trang đẹp nơi vùng nông thôn Tây Bắc. Nhận định về vẻ đẹp của thôn bản này, tờ nhật báo tiếng Anh SCMP của Hồng Kông đã vinh danh đây là một trong 7 địa điểm thuộc top những ngôi làng đẹp nhất nên đến sau COVID-19.

Hình thành từ giữa thế kỷ 19 do một bộ phận dân tộc ít người quần tụ theo phương pháp mật tập, bản Cát Cát đầy cuốn hút với những nếp nhà gỗ đơn sơ, những con suối nhỏ chảy róc rách, những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu và những người dân tộc nhỏ bé giản đơn. Chính người Pháp đã phát hiện và chọn bản làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức, đồng thời cho xây dựng tại đây một nhà máy thủy điện. Ở đây có một thác nước đẹp mà theo tiếng Pháp có nghĩa là CatScat. Chính vì vậy, bản cũng lấy tên là Cát Cát (đọc chệch đi của CatScat).

Thôn làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa vùng thung lũng Mường Hoa, được ôm trọn bởi 3 dòng suối: suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc, chưa bao giờ bớt thú vị cho người du lịch. Cái đẹp của Cát Cát là các yếu tố nhà cổ, tạo hình đều tuân theo nghệ thuật sắp xếp để tạo nên một tổng thể trọn vẹn giữa lòng núi rừng hùng vĩ. Yếu tố “cổ” ở Cát Cát đến từ kiến trúc nhà của người Mông ở bản Cát Cát được thiết kế theo dạng nhà ba gian lợp ván gỗ pơ mu. Bộ khung nhà là kèo ba cột ngang. Cột nhà đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông.

Buôn làng bé nhỏ này từng không ít lần “gây bão” mạng xã hội bởi không gian ấn tượng giữa núi non hùng vĩ nhưng cũng đầy mộc mạc. Xuyên suốt hành trình tại Sa Pa, Cát Cát như một góc bình yên lặng lẽ, làm đắm say người đi du lịch.

Người Mông ở bản Cát Cát.

Văn hóa người dân tộc Mông cũng là một phần bản sắc của bản Cát Cát. Ngoài trồng lúa, người Mông ở Cát Cát còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, đan lát dụng cụ sinh hoạt, chạm trổ bạc và rèn nông cụ. Chỉ ngay tại ngôi làng nhỏ này, nhiều người đã ngỡ ngàng khi được mục sở thị nét độc đáo trong văn hóa miền núi phía Bắc - từ nghệ thuật điêu khắc trên trang sức bạc đến nghề dệt thủ công từ sợi lanh.

Tại bản Cát Cát cũng có những khu tham quan, trưng bày và bán các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Những sản phẩm tinh xảo, độc đáo được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của những con người nơi đây không chỉ đem lại sức sống cho bản làng mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Mông được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Thiên tai hay dịch bệnh, tất cả đều là những thách thức mà du lịch vùng cần vượt qua thời điểm này. Nhìn về tương lai, Sa Pa sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển khi dòng đầu tư bất động sản du lịch đều tìm đến đây như một “điểm vàng” du lịch. Theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, Lào Cai với trọng điểm là Sa Pa sẽ trở thành đô thị loại I, trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam Trung Quốc.

Những khởi sắc ấy mang lại cho người dân tộc Mông nơi đây niềm tin về ngày du lịch hồi sinh, bản Cát Cát sẽ sớm đón khách trở lại.

Đọc thêm