Thuỷ Thanh chú trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao

(PLVN) -  Tiếp nối kết quả đã đạt được trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2022, Thủy Thanh tiếp tục bắt tay xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Hiện, Thủy Thanh là 1 trong 2 xã được thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) chọn xây dựng xã trở thành phường, lộ trình từ năm 2022 - 2023.
Bộ mặt nông thôn của xã Thuỷ Thanh ngày càng đổi mới, khởi sắc và khang trang hơn

Thuỷ Thanh xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, đồng thời là cơ hội để địa phương phát triển kinh tế bền vững, vì vậy, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Dân vận khéo” để vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Dưới sự lãnh đạo của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ nguồn lực của cấp trên cũng như được Nhân dân đồng thuận hưởng ứng tích cực, xã Thuỷ Thanh đã đạt được những kết quả đáng trân trọng, có bước đột phá rõ rệt, bộ mặt nông thôn mới của xã ngày càng đổi mới, khởi sắc và khang trang hơn; hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội phát triển; thu nhập của người dân được nâng lên.

Theo báo cáo của UBND xã Thủy Thanh, trong năm 2021, tổng giá trị sản xuất ước đạt 975,57% tỷ đồng, đạt 92,08% KH, tăng 5,30% so với cùng kỳ; sản xuất dịch vụ tổng hợp - du lịch ước đạt 740,64 tỷ đồng, đạt 91,94% KH, tăng 6,75% so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp ước đạt 102,40 tỷ đồng, đạt 90,62% KH, giảm 7,08% so với cùng kỳ; sản xuất tiểu thủ công nghiệp - xây dựng ước đạt 132,53 tỷ đồng, đạt 94,05% KH, tăng 8,21% so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt 281% kế hoạch.

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của Thủy Thanh giảm từ 0,2 - 0,3%. Trên cơ sở này, địa phương phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,98% và tiến đến xóa 11 hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Về phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, năm 2021, chỉ số cải cách hành chính của xã dẫn đầu thị xã Hương Thủy với 94,78 điểm, phấn đấu năm 2022 xếp hạng tốt trở lên.

Về xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu và trở thành phường, qua rà soát, Thủy Thanh cơ bản hoàn thành hầu hết các tiêu chí, hiện đang phấn đấu hoàn thành một số tiêu chí khó như: xây dựng vườn mẫu, trồng cây xanh, trồng hoa; sản xuất - thu nhập - hộ nghèo;…

Cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và thị xã, địa phương đã tích cực tranh thủ huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, tầng hóa và ngày càng khang trang hơn; hệ thống tuyến đường giao thông từng bước được nâng cấp, mở rộng theo tiêu chí xã trở thành phường gắn với đô thị loại IV; tổng mức đầu tư là 182,2 tỷ đồng.

Năm 2021, Thuỷ Thanh đã tổ chức thực hiện thi công 42 công trình với tổng mức đầu tư 93.861.734.000 tỷ đồng, trong đó; đã thực hiện hoàn thành 18 công trình, còn 24 công trình đang tiếp tục thực hiện...

Ngoài ra, xã đã triển khai vận động người dân đóng góp kinh phí để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại các kiệt, xóm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và văn minh nông thôn; đến nay, có 61/132 tuyến kiệt, xóm đã lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, đạt 46,21% (thực hiện 10 tháng đầu năm với 33 tuyến kiệt, xóm; tổng chiều dài là 1.664m, với tổng số tiền là 1.314 triệu đồng); tiếp tục chỉ đạo bộ phận chuyên môn tiến hành khảo sát lập hồ sơ, thủ tục liên quan để làm hệ thống mương thoát nước tại một số các kiệt, xóm.

Tình hình an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo luôn được giữ vững, không có vấn đề phức tạp xảy ra; không có khiếu kiện, khiếu nại đông người xảy ra; các cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm, internet, karaoke trên địa bàn chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương thuỷ) là điểm du lịch nổi tiếng bởi kiến trúc cổ độc đáo.

Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thuỷ Thanh cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2022, Thuỷ Thanh sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đặc biệt khai thác nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về chính sách phát triển du lịch cộng đồng; khuyến khích người dân xây dựng nâng cấp sản phẩm du lịch, dịch vụ homestay, trải nghiệm theo hướng du lịch bền vững.

Đồng thời huy động tối đa mọi nguồn lực, nguồn vốn trong nhân dân, nguồn vốn của tỉnh, thị xã, các doanh nghiệp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đầu tư hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng một số tiêu chí xây dựng xã trở thành phường gắn với đô thị loại IV; xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xã sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của tỉnh; các phòng, ban chuyên môn của thị xã làm tốt công tác giải phóng mặt phòng để thực hiện các dự án. Tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng thi công các tuyến đường Trung tâm xã, tuyến kè dọc đường TL1 qua 3 thôn Thanh Toàn, Thanh Thủy, Thanh Tuyền, tuyến liên xã Thanh Vân qua thôn Vân Thê Nam, tuyến 3/2,…

Vân Thê Garden & Homestay - Mô hình trải nghiệm trên địa bàn xã Thủy Thanh.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tạo hình ảnh điểm đến và thương hiệu mang đặc trưng riêng, hiện Thuỷ Thanh đang khẩn trương chỉnh trang khuôn viên khu vực cầu ngói Thanh Toàn; hoàn thiện chương trình, tour tham quan, trải nghiệm giữa điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn và một số điểm khác trên địa bàn xã.

Đặc biệt, ngay trung tâm xã Thuỷ Thanh, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án vui chơi giải trí cho bà con; đồng thời tham gia tài trợ trong triển khai các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ du lịch cộng đồng; tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng; tạo hình ảnh điểm đến và thương hiệu mang đặc trưng riêng, tiêu biểu là hoạt động: Chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn, Chợ quê ngày hội…

Thuỷ Thanh sẽ tập trung mọi nguồn lực, chủ động kế hoạch đầu tư các nhà văn hóa cộng đồng thôn, sân bóng đá thôn, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đầu tư cải tạo hệ thống điện chiếu sáng ở các kiệt rẻ nhánh … trên địa bàn các thôn và bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2022 - 2023 để thực hiện hoàn thành 12/12 tiêu chí theo kế hoạch, xây dựng xã trở thành phường.

Theo quy hoạch, Dự án Đô thị sinh thái Thanh Toàn có diện tích 522ha, dự kiến đến năm 2030, ước tính có khoảng 70% hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp trở thành phi nông nghiệp. Ngay từ đầu năm 2022, UBND xã, Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, tổ chức phiên chợ đêm…. để chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng người dân không có việc làm phát sinh tệ nạn xã hội.

"Chợ quê ngày hội" là hoạt động lí thú, hấp dẫn thu hút du khách và người dân đến cùng tham gia.

Đánh giá cao những nỗ lực của xã Thủy Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhận định, Thủy Thanh là một xã điển hình về tốc độ đô thị hóa và chuyển biến nhận thức của người dân trong nếp sống văn minh đô thị; có nhiều mô hình hay, nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH của thị xã Hương Thủy nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung. Từ tiềm năng, thế mạnh của mình, Thủy Thanh phải phấn đấu hơn nữa để trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM, xứng tầm là đơn vị dẫn đầu của thị xã Hương Thủy, có những đóng góp quan trọng trong việc chung tay xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước.

Bằng sự nỗ lực của chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tin rằng xã Thuỷ Thanh sẽ phấn đấu để sớm thực hiện đạt và vượt mục tiêu, trở thành xã NTM thứ 2 của tỉnh theo đúng lộ trình đã đề ra.

Đọc thêm