Tiếng ồn từ loa dụ chim yến

(PLVN) - Người nuôi chim yến chỉ được phát loa dụ chim yến trong khoảng thời gian từ 5h đến 11h30 và từ 13h30 đến 19h mỗi ngày, khi phát loa thì chỉ được sử dụng loa phát âm trong ngưỡng cho phép.

Nghề nuôi yến đang đem lại lợi nhuận rất cao cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Nhưng để dẫn dụ gây nuôi chim yến thành công và bền vững cần nắm rõ những quy định pháp luật về nuôi chim yến và kỹ thuật nuôi chim yến.

Những quy định pháp luật về nuôi chim yến

Liên quan đến hoạt động nuôi chim yến ở Bạc Liêu, Ông Nguyễn Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Hiện nay đã được quy định tại Điều 25, Nghị định 13/2020. Cụ thể, vùng nuôi chim yến sẽ do UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định. Vùng nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến...

Thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A). Thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày, trừ những trường hợp không được sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến.

Những trường hợp không được sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến bao gồm: Nhà yến nằm trong khu dân cư; nhà yến cách khu dân cư dưới 300 mét; nhà yến hoạt động trước ngày 5/3/2020 nhưng không đáp ứng quy định về vùng nuôi chim yến do HĐND cấp tỉnh quyết định”.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu).

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến phải thực hiện các yêu cầu sau: Ban hành và tuân thủ quy trình kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến; Khu vực, nhà, xưởng phục vụ sơ chế, bảo quản tổ yến phải cách xa nguồn gây ô nhiễm, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; Có biện pháp ngăn ngừa, xử lý phù hợp để bảo đảm sinh vật gây hại không xâm nhập vào khu vực sơ chế, bảo quản tổ yến; Có nguồn nước sử dụng trong sơ chế tổ yến đạt yêu cầu tiêu chuẩn nước sinh hoạt; Tổ yến sau sơ chế phải bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.

Do vậy, người nuôi phải luôn chú ý đến việc điều chỉnh không khí, nhiệt độ, ánh sáng thích hợp nhằm đảm môi trường sống tốt nhất cho chim. Đặc biệt, cần đảm bảo sự luân chuyển không khí liên tục bằng cách thiết kế các lỗ thoát khí phù hợp trong nhà nuôi).

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu - Nguyễn Duy Hưng, nhấn mạnh: “Nghị định 14/2021 (có hiệu lực từ ngày 20/4/2021, quy định xử phạt về chăn nuôi) đã quy định mức phạt rất rõ đối với những hành vi phát âm thanh dụ chim yến vượt ngưỡng cho phép.

Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 27 nghị định này quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn tối đa cho phép theo quy định; Phát âm thanh để dẫn dụ chim yến ngoài khoảng thời gian theo quy định.

Ngoài bị phạt tiền theo quy định trên người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện biện pháp giảm tiếng ồn; Đây là mức phạt hành cho cá nhân, nếu là tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt sẽ gấp đôi mức phạt dành cho cá nhân.

Cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền.

Đồng thời, theo quy định của nhà nước, người nuôi chim yến không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động nuôi chim yến, có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.

Âm thanh và phòng bệnh là yếu tố quan trọng nuôi chim yến

Theo đó, cần có âm thanh dẫn dụ hiệu quả tức là âm thanh có sức thu hút được lượng đông đảo chim yến kéo đến quanh nhà đồng thời lôi kéo chúng bay vào bên trong khu nhà nuôi. Mỗi nơi có sự thích hợp riêng với một số loại âm thanh dẫn dụ khác nhau dựa theo từng vùng miền.

Đặc biệt, việc phòng bệnh cho chim yến là vô cùng cần thiết; phải có trang phục bảo hộ lao động và sát trùng, khử khuẩn trước hoặc sau khi vào, ra nhà yến; có kế hoạch vệ sinh nhà yến thường xuyên theo định kỳ, không được sử dụng hóa chất ảnh hưởng đến tổ yến...

Chủ cơ sở thường xuyên giám sát sức khỏe của đàn chim yến, nếu có hiện tượng chim yến chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để được xử lý kịp thời;… Trường hợp có dịch bệnh thì cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền.

Đọc thêm