Tìm hướng đào tạo lao động cho doanh nghiệp trong bối cảnh sau giãn cách do dịch bệnh COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều nay (19/11), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Đào tạo lao động cho doanh nghiệp trong bối cảnh sau giãn cách do dịch bệnh COVID-19”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh cho biết, Hội thảo sẽ là dịp để các chuyên gia, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đưa các ý kiến thẳng thắng góp ý và các khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động khắc phục những khó khăn, tiếp tục thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi thị trường lao động, hỗ trợ lao động tìm việc làm, đào tạo nghề cho người lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong tình hình hiện nay và trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nguyễn Quốc Thanh phát biểu tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nguyễn Quốc Thanh phát biểu tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Theo đó, đợt dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình trạng mất việc, thiếu lao động tăng cao so những năm trước, nhiều lao động bị mất hoặc giảm sâu về thu nhập. Thị trường lao động trong tỉnh nói chung bị biến động mạnh, cũng như một số tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai tình trạng mất việc làm và thiếu lao động tại các doanh nghiệp tăng cao.

Để tháo gỡ những khó khăn trên với mong muốn tìm ra những giải pháp tối ưu, dễ làm, dễ thực hiện, thông qua các bài thuyết trình của lãnh đạo VCCI Cần Thơ và các diễn giả là những nhà quản trị nguồn nhân lực của trường Đại học Kinh tế TP. HCM và chuyên gia về luật, các nhà quản lý, các doanh nghiệp sẽ có những đánh giá và định hướng phục hồi ổn định thị trường lao động của tỉnh Cà Mau.

Theo Giám đốc VCCI tại Cần Thơ Nguyễn Phương Lam: "Đây là vấn đề cùng lúc phải giải quyết cho lao động hồi hương, nên cần có sự cộng đồng trách nhiệm rất cao từ nhiều cơ quan chức năng trong lĩnh vực lao động - việc làm, an sinh xã hội, doanh nghiệp và chính quyền... nhằm cụ thể chính sách an dân của tỉnh, một tình cảm đặc biệt của quê hương dành cho người lao động trở về”.

Người lao động về trở về tỉnh Cà Mau do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến nay có khoảng trên 54.800 người, qua rà soát được biết lao động cần hỗ trợ để giải quyết việc làm khoảng 44.000 người.

Người lao động về trở về tỉnh Cà Mau do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến nay có khoảng trên 54.800 người, qua rà soát được biết lao động cần hỗ trợ để giải quyết việc làm khoảng 44.000 người.

TS. Nguyễn Hữu Lam – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng, tay nghề cho người lao động gặp khó khăn do Đại dịch COVID-19, đảm bảo người lao động được ổn định cuộc sống mới. Đảm bảo chất lượng lao động cung cấp cho doanh nghiệp trên địa bàn nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tối đa những thiệt hại do đại dịch COVID-19”.

Qua đó, đề xuất những mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho người lao động, giúp người lao động sau khi tham gia học nghề có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm.

“Hội thảo lần này từ những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia để làm rõ hơn ý nghĩa, nội dung, cũng như lộ trình, bước đi trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động sau đại dịch, cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho người lao động có thu nhập và ổn định cuộc sống” - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh nhận định.

Đến nay, số lao động về trở về tỉnh Cà Mau do ảnh hưởng của dịch bệnh có khoảng trên 54.800 người, lao động cần hỗ trợ để giải quyết việc làm khoảng 44.000 người. Được biết hiện nay các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc là khá lớn.

Vì vậy, việc đào tạo lao động cho doanh nghiệp trong bối cảnh sau giãn cách do dịch bênh COVID-19, cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho người lao động có thu nhập và ổn định cuộc sống là vấn đề các cấp các ngành, doanh nghiệp và xã hội rất quan tâm.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm