Tìm mọi cách đưa các nhà máy lớn trở lại hoạt động an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo chiều 21/5 và đề nghị các thành viên thảo luận phân tích sâu diễn biến tình hình dịch bệnh để dự báo và đưa ra các giải pháp ứng phó.
UBND tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cần có các giải pháp linh hoạt đảm bảo chống dịch, không để đình trệ sản xuất. Ảnh minh họa: VGP
UBND tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cần có các giải pháp linh hoạt đảm bảo chống dịch, không để đình trệ sản xuất. Ảnh minh họa: VGP

Nhà máy đảm bảo 4 tiêu chí sẽ được trở lại hoạt động

Thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã thảo luận giải pháp để các nhà máy, DN thuộc chuỗi cung ứng lớn trên địa bàn Bắc Ninh, Bắc Giang được tiếp tục hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất nếu cam kết thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch trong toàn bộ quy trình sản xuất ở mức cao nhất.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, những ngày qua một số hiệp hội, DN, địa phương cũng đã gửi văn bản đến Bộ đề nghị tháo gỡ vướng mắc cho DN sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá.

PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị các tỉnh không áp dụng các biện pháp chống dịch quá “máy móc” ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Trao đổi tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn cụ thể các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, “tìm mọi cách để đưa các nhà máy lớn trở lại hoạt động sớm nhất”.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương ban hành văn bản gỡ vướng cho sản xuất, lưu thông hàng hoá, theo hướng: Nhà máy nào đảm bảo 4 tiêu chí sau sẽ được trở lại hoạt động. Thứ nhất, tất cả công nhân đều được quản lý chặt chẽ cả trong giờ và sau giờ làm việc. Thứ hai, tiến hành xét nghiệm sàng lọc trong nhà máy theo chu kỳ tối thiểu 3 ngày/1 lần hoặc tiến hành xét nghiệm nhanh hằng ngày. Thứ ba, trong nhà máy phải đảm bảo giãn cách ở mức cần thiết. Thứ tư, phương tiện vận chuyển hàng hoá phải được khử khuẩn, lái xe được xét nghiệm hàng ngày,...

Cũng về vấn đề này, đại diện Bộ Công an, đề nghị các DN nước ngoài phải có phương án quản lý chặt chuyên gia theo hướng các chuyên gia nước ngoài phải ở lại nhà máy (ký túc xá hoặc khu nhà ở cho chuyên gia), không đi lại giữa nhà máy và nơi cư trú…

Đối với Bắc Ninh, Bắc Giang, Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh phải mạnh dạn thử nghiệm cách ly tại nhà; Bộ Y tế phối hợp với địa phương tính toán lại việc phân tuyến điều trị các bệnh nhân COVID-19 cho phù hợp với tình hình mới,…

Khống chế được dịch bệnh, bảo đảm bầu cử an toàn

Tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Sĩ Hiệp đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo đang bám sát thực tiễn, chỉ đạo, điều hành, quyết liệt kịp thời, hiệu quả. Nhất là sau khi có chủ trương, các quyết định khen thưởng, xử phạt nghiêm minh, phân cấp mạnh cho địa phương, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương đã rất trách nhiệm, vào cuộc rất quyết liệt, đồng bộ.

Tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa có ổ dịch mới không rõ nguồn lây, đã có 3 tỉnh qua 14 ngày không phát hiện ca nhiễm mới. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn khống chế được tình hình dịch bệnh, đảm bảo điều kiện an toàn để tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Về quỹ mua vaccine, nguyên tắc chung là nhà nước đảm bảo tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ khuyến khích và ủng hộ chủ trương khuyến khích các DN, người dân cùng chung sức với Chính phủ để bảo đảm vấn đề này. Việc sử dụng quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy chế, quy định pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định hướng dẫn các địa phương từ tỉnh, đến huyện, xã chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các đơn vị, cơ quan, DN, người dân thời gian qua đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái, tích cực tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch, nhất là các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Không khuyến khích người dân tự bỏ tiền túi để xét nghiệm dịch vụ

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế đã làm rõ hai loại xét nghiệm là xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm tự nguyện.

Theo đó, người dân nằm trong đối tượng phải xét nghiệm sàng lọc, truy vết theo yêu cầu, chỉ định của cơ quan y tế hoặc một số đối tượng như người đi nước ngoài, người đến bệnh viện… thì tích cực, chủ động tham gia để hỗ trợ cơ quan y tế đánh giá tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, Bộ Y tế không khuyến khích người dân tự bỏ tiền túi để xét nghiệm dịch vụ, không chỉ gây tốn kém mà còn gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

Đọc thêm