Tín dụng chính sách: 'Bạn đồng hành' của đồng bào dân tộc thiểu số

(PLVN) - Chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Yên Châu (Sơn La).
Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Yên Châu (Sơn La).

Giúp đời sống đồng bào bớt khó khăn

Đắk Lắk là một tỉnh nằm ở trung tâm của Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên là 13.125km2, dân số trên 1,869 triệu người, với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số khoảng 667.304 người chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh. 

Trong những năm qua, NHCSXH đã quan tâm triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, một trong những đối tượng quan trọng được quan tâm đặc biệt là hộ đồng bào DTTS. Đến 30/11/2020, chi nhánh NHCSXH tỉnh đang quản lý 15 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ, tổng dư nợ đạt 5.207 tỷ đồng, với 195 ngàn món vay của gần 160 ngàn khách hàng đang còn dư nợ. Có 70.839 khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 1.874 tỷ đồng, chiếm 35,9%/tổng dư nợ của toàn chi nhánh, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 26 triệu đồng.     

“Có thể khẳng định rằng, các chương trình cho vay tín dụng chính sách từ NHCSXH đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giúp cho đời sống của đồng bào bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội và dần nâng cao chất lượng cuộc sống”

“Đồng bào DTTS đã làm quen với việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ sản xuất, chăn nuôi và quản lý vốn. Thông qua sử dụng vốn Tín dụng chính sách đã tác động làm chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội”, đại diện NHCSXH tỉnh Đắk Lắk chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 – 2020.

Gỡ “điểm nghẽn” để phát huy hiệu quả đồng vốn chính sách

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội của vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS là một chính sách quan trọng trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược hoạt động của NHCSXH trong giai đoạn 2011-2020 và các giai đoạn tiếp theo.

Với chủ trương chỉ đạo “tăng cho vay, giảm cho không” tăng cường bổ sung nguồn vốn cho vay đến với đồng bào DTTS thuộc vùng DTTS&MN, trong giai đoạn này, tín dụng chính sách đã giúp đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, từng bước vươn lên. Thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, thực sự là “cầu nối” giữa Cấp ủy chính quyền các địa phương với quần chúng nhân dân, đặc biệt là với khối đồng bào DTTS; qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ đồng bào DTTS thuộc vùng DTTS&MN đã bộc lộ nhiều hạn chế như: cơ chế thực hiện thiếu sự khuyến khích đối với địa phương thực hiện tốt chính sách, chưa có cơ chế đặc thù phù hợp với đặc điểm vùng DTTS và miền núi, chưa tạo được động lực cho hộ nghèo thoát nghèo cũng như phát huy nội lực người dân; nguồn lực chưa đảm bảo cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt, đối với các chính sách tín dụng nguồn lực bố trí thường chỉ đáp ứng được khoảng 40% - 60% kế hoạch, việc cấp phát vốn chậm, không đồng bộ đối với một số chính sách đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả thực hiện...

Ủy ban Dân tộc và NHCSXH đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam” nhằm tổng kết hiệu quả của cả quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách đối với hộ đồng bào DTTS trên toàn quốc, đồng thời thông qua Hội thảo đưa ra những định hướng đối với tín dụng chính sách trong giai đoạn 2021-2030.

Để phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ ngành liên quan và NHCSXH đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS tại khu vực DTTS&MN nằm trong chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, tập trung vào việc rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách với chủ trương đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị đồng bộ, phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng miền, tạo động lực thúc đẩy người dân làm ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao trên thị trường góp phần tạo sinh kế, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập thực hiện đúng mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS.

Đọc thêm