A Lưới là một huyện miền núi biên giới thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hơn 80% người dân nơi đây là DTTS, bao gồm chủ yếu là các dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy và dân tộc Kinh.
Những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp đồng bào DTTS vay vốn ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất để từng bước cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệtt, từ khi chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg được triển khai, hàng trăm hộ dân vùng đồng bào dân tộc và miền núi huyện A Lưới đã tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Là một trong những hộ đầu tiên được vay vốn theo Quyết định 2085/QĐ-TTg, chị Hồ Thị Nhép (30 tuổi, thôn A Tia 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới) cho biết, năm 2018, gia đình chị được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi từ NHCSXH huyện A Lưới thông qua Hội phụ nữ xã. Với số tiền đó, chị Nhép đã mua 2 con bò giống và 4 con dê để phát triển kinh tế gia đình.
“Với người dân vùng đồng bào dân tộc như chúng tôi, để phát triển sản xuất thì điều khó khăn nhất là nguồn vốn ban đầu, vì nếu vay bên ngoài thì hiệu quả sản xuất không đủ trả lãi. May nhờ nguồn vốn vay từ chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi từ NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng nên gia đình tôi mới có cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Từ 2 con bò ban đầu, đến nay gia đình tôi đã có 05 con, với 07 con dê hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập khá và ổn định” - chị Nhép nói.
Ngoài gia đình chị Hồ Thị Nhép, xã Hồng Kim còn có hàng chục hộ dân đồng bào DTTS và miền núi nhờ nguồn vốn vay theo Quyết định 2085/QĐ-TTg đã vươn lên làm ăn khấm khá. Với số vốn vay 50 triệu đồng, gia đình anh Hồ Văn Thân (39 tuổi thôn A Tia 1, xã Hồng Kim) đã đầu tư mua bò giống và chăn nuôi gà. Đến nay, gia đình anh có 5 con bò sinh sản, hơn 200 con gà, đem lại doanh thu gần cả trăm triệu đồng mỗi năm.
NHCSXH A Lưới giao dịch tại xã vào các ngày cố định trong tháng. |
Theo ông Lê Quang Thắng- Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện A Lưới - cho biết, từ năm 2018 đến nay, thông qua chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg đã giúp cho 407 lượt hộ DTTS trên địa bàn huyện vay vốn với tổng số tiền 19,725 tỉ đồng để sản xuất kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế… Đến nay, tổng dư nợ cho vay theo Quyết định 2085/QĐ-TTg là 18,33 tỉ đồng với 405 hộ còn dư nợ. Đáng chú ý là trong đó không có hộ nào có nợ quá hạn.
“Qua hơn 02 năm triển khai cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg cho thấy, chương trình đã góp phần giúp hộ nghèo DTTS vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện A Lưới phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo hiệu quả" - Ông Thắng cho biết.
Ngoài ra, việc đồng bào DTTS được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để làm ăn đã từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tín dụng đen ở vùng nông thôn, vùng DTTS và miền núi. Đặc biệt, hoạt động tín dụng chính sách góp một phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 24,99% (năm 2017) xuống còn 18,5% (cuối năm 2019).- ông Thắng cho biết thêm.
Có thể nói, thông qua chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và ổn định xã hội trên địa bàn huyện miền núi A Lưới. Đây thực sự là công cụ đắc lực của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong việc thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất tín dụng đen ở nông thôn, giảm tỷ lệ thất nghiệp, các tệ nạn xã hội góp phần giữ vững an ninh, chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.