Tín dụng chính sách đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hành trình thoát nghèo, những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.
Với nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, gia đình bà Hồ Thị Ngợp (xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) đã đầu tư mua công cụ dệt Zèng, chăn nuôi lợn mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.
Với nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, gia đình bà Hồ Thị Ngợp (xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) đã đầu tư mua công cụ dệt Zèng, chăn nuôi lợn mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.

Mô hình dệt Zèng của gia đình bà Hồ Thị Ngợp (thôn Paris-Kavin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) là một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Bà Ngợp cho biết, trước đây, bà được Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV), Hội phụ nữ xã tín nhiệm bình xét cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để mua nguyên liệu, đầu tư dụng cụ phục vụ cho công việc dệt Zèng, nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm dệt Zèng mà kinh tế gia đình bà dần ổn định, lợi nhuận đều hàng tháng từ dệt Zèng khoảng 4-6 triệu.

Năm 2020, gia đình bà đã thoát nghèo, tích góp và trả nợ gần hết cho Ngân hàng CSXH huyện A Lưới, một phần tiết kiệm để tạo nguồn vốn và phát triển thêm chăn nuôi lợn. Đến nay, nhà bà vừa có thu nhập từ dệt Zèng hàng tháng và có cả một đàn lợn mang lại thu nhập ổn định.

Được biết, dệt Zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc thiểu số huyện miền núi A Lưới. Những sản phẩm từ tấm Zèng là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao nơi đây.

Mỗi sản phẩm dệt Zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo mang bản sắc dân tộc của người dân A Lưới. Hiện địa bàn huyện A Lưới đã hình thành nhiều hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất quy mô lớn như ở thị trấn A Lưới, xã Lâm Đớt, xã Phú Vinh, xã Quảng Nhâm, xã A Roàng.

Tín dụng chính sách đã và đang đồng hành cùng người dân đồng bào huyện A Lưới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống

Tín dụng chính sách đã và đang đồng hành cùng người dân đồng bào huyện A Lưới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống

Ngoài gia đình bà Hồ Thị Ngợp, tại xã Lâm Đớt còn có nhiều hộ gia đình khác cũng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để để đầu tư vào nghề dệt Zèng. Nhờ có nghề dệt Zèng nên đời sống kinh tế hộ gia đình đã được nâng lên rõ rệt, nghề dệt Zèng truyền thống của xã ngày được phát huy.

Ông Lê Hồng Hùng, Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt cho biết, ngoài các công việc thường ngày như chăn nuôi, trồng trọt. HIện nay nhiều hộ gia đình trong xã cũng đã làm thêm dệt Zèng. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH huyện A Lưới mà bà con có nguồn vốn đầu tư mua sắm dụng cụ, nguyên liệu để mở rộng mô hình dệt Zèng.

Ngoài ra, hàng tháng các hộ có thu nhập tăng thêm khoảng 3-7 triệu đồng, tạo nguồn sinh kế lâu dài ổn định, giúp các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vùng cao.

Trong những năm qua, với đặc thù hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được NHCSXH huyện A Lưới chuyển tải đầy đủ đến các đối tượng thụ hưởng, thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Thông qua công tác vận động, tuyên truyền, bà con DTTS là hộ nghèo vay vốn đã hiểu rõ việc vay vốn ưu đãi là quan hệ tín dụng có vay, có trả, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, không còn xem đây là một nguồn vốn cứu trợ của Nhà nước mà nhận thức đúng đắn hơn trong việc sử dụng vốn, biết tích lũy trả nợ ngân hàng.

Theo ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện A Lưới, đến ngày 27/9/2021, tổng dư nợ đạt 374.426 triệu đồng với 8.947 khách hàng còn dư nợ, tăng 19.310 triệu đồng so với đầu năm. Doanh số cho vay đạt 91.092 triệu đồng với 2.276 lượt khách hàng vay vốn.

Song song với tăng trưởng tín dụng, Phòng giao dịch luôn chú trọng đến chất lượng tín dụng nên nợ quá hạn chỉ chiếm 0,054% tổng dư nợ.

Cũng theo ông Thắng, thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện A Lưới tiếp tục thực hiện mục tiêu cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách, trong đó ưu tiên đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ tín dụng sẽ về tận các xã khó khăn thực hiện các thủ tục giải ngân để vốn vay chính sách đến tận tay người vay, đồng thời phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể huyện, xã khuyến khích, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, để cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù địa phương mình. Đặc biệt phát huy làng nghề truyền thống dệt Zèng tại địa phương, qua đó không chỉ tạo thêm việc làm cho người dân mà còn bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa, truyền thống từ sản phẩm Zèng.

Đọc thêm