Tín dụng chính sách giúp người dân vùng cao Bắc Giang thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lục Nam là một trong 4 huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có nhiều xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm gần đây, hàng loạt chương trình, dự án, trong đó có các chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện trên địa bàn huyện Lục Nam đã mang đến sự thay đổi nhanh chóng về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Điểm giao dịch xã Bảo Sơn (huyện Lục Nam) cho vay phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Điểm giao dịch xã Bảo Sơn (huyện Lục Nam) cho vay phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

“Đòn bẩy” giúp người dân thâm canh vườn đồi, vườn rừng

Cùng đi thăm một số mô hình sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất và giảm nghèo hiệu quả, ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Bảo Sơn (huyện Lục Nam) chia sẻ: “Điều kiện kinh tế ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%. Thời gian qua, nhờ các chương trình, dự án như 135, phủ xanh đất trống đồi trọc, đặc biệt với 33,2 tỷ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đã tạo “đòn bẩy” giúp người dân thâm canh vườn đồi, vườn rừng, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã, hiện có 3,28%, giảm 17,3% so với đầu năm 2015. Chính sách về cùng các nguồn vốn, các dự án, thế mạnh nông lâm nghiệp của Bảo Sơn được lựa chọn. Nhiều người dân đã sử dụng đồng vốn ưu đãi, mạnh dạn đưa những giống cây có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt, chăm sóc”.

Điển hình như anh Vi Văn Tuấn tại thôn Đồng Cống từng là chủ hộ dân tộc Dao nghèo. Năm 2020, anh được NHCSXH huyện Lục Nam cho vay 100 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng dứa trên đồi theo quy trình Viet GAP, giờ đây đã có nguồn thu nhập ổn định, đời sống nâng lên rõ rệt. “Mặc dù vụ thu hoạch vừa qua đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, song việc tiêu thụ vẫn thuận lợi, bình quân mỗi gia đình trồng dứa ở Đồng Cống thu về từ 150 đến 200 triệu đồng. Nhờ đồng vốn hỗ trợ kịp thời, thiết thực mà sản phẩm dứa quê tôi được công nhận chất lượng hạng 3 sao và trở thành “cây thoát nghèo nhanh, bền vững”, anh Tuấn vui mừng nói.

Cũng như gia đình anh Tuấn, nhờ nguồn vốn ưu đãi toàn địa bàn huyện Lục Nam đã có hàng chục nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Cán bộ tín dụng chính sách huyện Lục Nam trao đổi việc sử dụng vốn vay ưu đãi trồng dứa chuyên canh tại thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn.

Cán bộ tín dụng chính sách huyện Lục Nam trao đổi việc sử dụng vốn vay ưu đãi trồng dứa chuyên canh tại thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn.

Nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Nam, ông Trịnh Hữu Ngọc Nam cho biết: Xuyên suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, dù phải đối mặt rất nhiều gian nan, thử thách, nhất là thời gian vừa qua dịch bệnh COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của xã hội, trong đó có công tác tín dụng chính sách, nhưng với tinh thần đoàn kết, toàn Phòng giao dịch đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, triển khai nhiều giải pháp phù hợp, tập trung huy động nguồn lực tài chính, tổ chức chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng.

Bởi vậy, đơn vị được tin tưởng tiếp nhận dồi dào vốn hoạt động. Cụ thể, tính đến 31/5/2022, tổng nguồn vốn đạt 721 tỷ đồng, tăng 31,3 tỉ đồng so với cuối năm 2021, trong đó vốn ngân sách địa phương ủy thác, chuyển sang NHCSXH hơn 18,7 tỉ đồng. Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực của NHCSXH huyện Lục Nam trong việc tìm kiếm, huy động nguồn vốn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của nhân dân.

Kết quả đó cũng khẳng định việc cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí Thư về tín dụng chính sách trong việc tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước về một đầu mối quản lý thống nhất, đồng thời cân đối, bố trí chuyển ngân sách địa phương qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

Bên cạnh đó, NHCSXH huyện Lục Nam còn tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát các hộ vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả, đồng thời tiếp tục rà soát, tiếp nhận hồ sơ để thực hiện cho vay theo kế hoạch của cấp trên giao.

Điều đáng ghi nhận trong việc đưa vốn ưu đãi đến với người nghèo không chỉ là trách nhiệm của những cán bộ tín dụng chính sách ở huyện Lục Nam mà còn chứa đựng thông điệp nhân văn sâu sắc, mang tính cộng đồng cao của cả hệ thống NHCSXH đối với công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Đọc thêm